Thách thức cho sinh viên ra trường đúng mùa dịch tại Trung Quốc

Sinh viên mới tốt nghiệp tham dự một hội chợ việc làm ở khu tự trị Nội Mông ngày 20/5. Ảnh: VCG.
Sinh viên mới tốt nghiệp tham dự một hội chợ việc làm ở khu tự trị Nội Mông ngày 20/5. Ảnh: VCG.

“Tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp” là câu nói đùa thường được các sinh viên đại học truyền tai nhau khi nói về khoảng thời gian ra trường. Tuy nhiên, với năm nay, câu nói đó gần như ứng với thực tại đen tối trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc loay hoay tìm đường phát triển sau dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Sẽ sớm tốt nghiệp vào mùa Hè này, Li Xuan – đang thực tập tại một công ty Internet ở Bắc Kinh – chia sẻ với đài CGTN: “Tôi đang làm việc chăm chỉ để được nhận vào làm tại đây, thay vì chỉ thực tập”. 

Li cho biết bản thân đang rất lo lắng về tương lai khi nghe xung quanh nhiều người vẫn còn thất nghiệp do đại dịch COVID-19.

Theo thống kê trên trang tuyển dụng Boss Zhipin của Trung Quốc, mùa Xuân năm nay, lượng sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm tăng 56% so với năm 2019, nhưng nhu cầu từ các doanh nghiệp lại giảm 22%.

Yang Yi, một sinh viên năm cuối chuyên ngành dịch thuật, vẫn đang miệt mài tìm cơ hội thực tập. “Tôi đã gửi hồ sơ tới 22 công ty, nhưng chỉ có 3 công ty cho cơ hội phỏng vấn. Những công ty còn lại từ chối thẳng thừng hoặc đơn giản không hồi đáp”, Yang Yi cho biết.

Một nghiên cứu gần đây do Đại học Bắc Kinh thực hiện cho thấy trong quý đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng giảm 27%. Các ngành bị ảnh hưởng là lĩnh vực dịch vụ và giải trí, theo sau là giáo dục, thể thao, công nghệ thông tin và tài chính.

Một trong những người bạn cùng phòng của Li thực tập trong ngành phim ảnh-truyền hình và được đảm bảo sẽ có một lời mời chính thức về làm. Nhưng không may, sau đại dịch, cô mất cơ hội do công ty cắt giảm nhân sự.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 chứng kiến lần giảm đầu tiên kể từ năm 1976. Đối với nhóm sinh viên ra trường năm nay – những người sinh vào cuối những năm 1990 và chưa bao giờ chứng kiến một cuộc suy thoái kinh tế, tương lai sự nghiệp mờ mịt có thể là một cú sốc lớn với họ. 

Theo một cuộc khảo sát do Đại học Nhân dân và trang website tuyển dụng Zhaopin, 51% người tham gia cho rằng rất khó để kiếm được một công việc trong năm nay. 41,2% cho biết mặc dù khó khăn song tình hình vẫn có thể chấp nhận được. 62% người được phỏng vấn nghĩ rằng đại dịch ảnh hưởng đáng kể tới quy trình tìm việc, vì số lượng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và hội chợ tuyển dụng đều giảm.

Thách thức cho sinh viên ra trường đúng mùa dịch tại Trung Quốc ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang hình thức phỏng vấn trực tuyến thay vì hẹn gặp mặt trực tiếp ứng viên. Ảnh: VCG.

Để ngăn không cho tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng vọt, Bộ Giáo dục Trung Quốc trong tháng Năm đã triển khai một chiến dịch quốc gia “100 ngày”, với mục tiêu mở rộng cơ hội việc làm và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Chiến dịch này bao gồm kế hoạch mở rộng tuyển sinh sau đại học và nhập ngũ, các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng nhiều vị trí hơn, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời, các trường đại học và doanh nghiệp trên cả nước chuyển sang hình thức tuyển dụng trực tuyến sau khi đại dịch COVID-19 gián đoạn việc tổ chức hội chợ việc làm, những buổi phỏng vấn xin việc tập trung đông người.

Mặc dù cùng chung bối cảnh kinh tế toàn quốc suy thoái song tác động của COVID-19 lên nhu cầu tuyển dụng các ngành tại Trung Quốc là không giống nhau. Khác với ngành tài chính với nhu cầu tuyển dụng cho sinh viên mới tốt nghiệp giảm hơn 50% so với năm 2019, ngành sản xuất và máy móc lại cho thấy vị trí tuyển dụng ngày một nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các ngành mới nổi như kinh tế kỹ thuật số hay trí tuệ nhân tạo, thương mại 5G cũng rộng mở cơ hội hơn cho sinh viên ra trường năm nay. 

Zhang Yi, Giám đốc điều hành viện nghiên cứu iiMedia Research, chỉ ra rằng các dịch vụ trực tuyến như giảng dạy trực tuyến, thương mại điện tử và giải trí kỹ thuật số đang chứng kiến đà phát triển mạnh trong mùa dịch.

Sinh viên Li cho biết nếu như bị công ty đang thực tập từ chối và không có được công việc như ý, cô sẽ không ngồi đợi mà tìm kiếm việc khác, ngay cả khi không thích việc đó. Cùng quan điểm, Yang chia sẻ sẽ hạ thấp tiêu chuẩn tìm việc và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng. 

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ