Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bồi dưỡng cũng có những khó khăn, thách thức. Những khó khăn này cùng giải pháp đề xuất được PGS.TS. Nguyễn Danh Nam (Trường ĐHSP- ĐH Thái Nguyên) chia sẻ trong tham luận tại hội thảo “Phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng GV; CBQL cơ sở GDPT” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL cơ sở GDPT (ETEP) - Bộ GD& ĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây.
Nhận diện khó khăn khi bồi dưỡng giáo viên theo hình thức trực tuyến
Một số khó khăn được PGS.TS. Nguyễn Danh Nam phân tích như sau:
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Hệ thống máy vi tính còn thiếu; đường truyền mạng, tốc độ truy cập còn chậm; khả năng tiếp cận với internet còn hạn chế ở một số địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu hệ thống thư viện điện tử đáp ứng nhu cầu truy cập, tiếp cận và sử dụng của người học.
Hệ thống Studio sản xuất bài giảng, số hóa học liệu điện tử: Nhiều cơ sở bồi dưỡng còn thiếu hệ thống Studio để sản xuất bài giảng trực tuyến trong khi chi phí để số hóa bài giảng và học liệu kèm theo rất tốn kém. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật xử lý hậu kỳ và vận hành hệ thống LMS còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng các bài giảng điện tử và triển khai bồi dưỡng trực tuyến trên phạm vi rộng.
Truy cập hệ thống bồi dưỡng bằng các thiết bị di động: Tốc độ đường truyền mạng internet trên một số thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng,… còn hạn chế. Do đó, việc truy cập khóa học thông qua các thiết bị này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí sử dụng mạng di động ở Việt Nam còn ở mức tương đối cao.
Kỹ năng công nghệ thông tin của giảng viên và giáo viên: Khả năng sử dụng và khai thác máy tính cá nhân của nhiều giáo viên còn yếu, đặc biệt là những giáo viên có tuổi và giáo viên ở các địa phương còn khó khăn. Nhiều giáo viên chưa quen với việc tự học, tự nghiên cứu, tự quản lý thời gian cá nhân phù hợp với việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng tư vấn của một số giảng viên còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao trong quá trình tương tác trực tuyến với người học.
Quy chế đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến: Bộ GD&ĐT chưa ban hành quy chế tổ chức hình thức học tập này. Do vậy, việc triển khai ở nhiều địa phương còn khó khăn trong quản lý, tổ chức lớp học, diễn đàn trao đổi, kiểm tra - đánh giá, công nhận kết quả,…
Ngoài ra, trong quá trình triển khai các khóa bồi dưỡng trực tuyến dành cho giáo viên, PGS.TS. Nguyễn Danh Nam còn gặp một số thách thức liên quan đến hệ thống bài giảng, học liệu điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng của người học; kết quả đánh giá quá trình bồi dưỡng trực tuyến (tính khách quan, tính nghiêm túc, sự hài lòng của người học,…); quản lý người học (thời gian học, việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập, theo dõi sự tiến bộ, phản hồi nhanh, nhắc nhở người học,…).
Đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập chưa hỗ trợ người học kịp thời, đầy đủ trong suốt quá trình bồi dưỡng trực tuyến. Chưa có cơ chế để quản lý, giám sát, đánh giá và công nhận kết quả theo hình thức bồi dưỡng trực tuyến ở nhiều địa phương.
Sở GD&ĐT Ninh Thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy chữ Chăm. Ảnh: báo Ninh Thuận |
Đề xuất những nội dung có thể tổ chức bồi dưỡng trực tuyến
Xuất phát từ những khó khăn và thách thức trên, PGS.TS. Nguyễn Danh Nam đề xuất những nội dung có thể tổ chức bồi dưỡng trực tuyến như: vấn đề tổng quan lý thuyết, nghiên cứu các tình huống thực tế, mô phỏng, bài giảng mẫu, thảo luận và giải đáp thắc mắc,…
Những nội dung liên quan đến các hoạt động thực hành nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng hoặc hoạt động “cầm tay, chỉ việc” thì phải tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung.
PGS.TS. Nguyễn Danh Nam cho biết trong tham luận: Thực tế triển khai trong những năm gần đây cho thấy bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hình thức trực tuyến ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Trong đó, sử dụng mô hình kết hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn mô hình e-Learning thuần túy.
Vấn đề xây dựng kịch bản dạy học, lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp cho một khóa bồi dưỡng trực tuyến có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của khóa học. Do đó, giảng viên cần được tập huấn kỹ lưỡng để xây dựng bài giảng điện tử phục vụ bồi dưỡng trực tuyến.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai bồi dưỡng trực tuyến, các cơ sở bồi dưỡng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo viên (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông) để quản lý, giám sát, đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng của giáo viên một cách hiệu quả. Từ đó, nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên, ngay tại chỗ, khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng và học tập suốt đời của đội ngũ giáo viên phổ thông.
3 phương án bồi dưỡng trực tuyến
Dựa trên những ưu điểm của hình thức bồi dưỡng trực tuyến, PGS.TS. Nguyễn Danh Nam đề xuất 3 phương án/mô hình triển khai bồi dưỡng như sau:
Phương án 1: Xây dựng kho học liệu trực tuyến (khóa học, bài giảng, đề thi, tài liệu) và cung cấp trên mạng inernet (cổng thông tin, trang web, hệ thống chia sẻ học liệu,…) nhằm cung cấp kiến thức bổ trợ thường xuyên cho giáo viên.
Phương án 2: Xây dựng hệ thống bồi dưỡng trực tuyến hoàn toàn qua mạng internet. Toàn bộ chương trình bồi dưỡng được số hóa, tổ chức thành khóa học; hồ sơ của giáo viên được giám sát và đánh giá; lấy ý kiến phản hồi; nhà quản lý theo dõi sự tiến bộ của giáo viên và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Phương án 3: Xây dựng hệ thống bồi dưỡng trực tuyến một phần nội dung của chương trình bồi dưỡng hay còn gọi là mô hình kết hợp. Đây là mô hình kết hợp hình thức bồi dưỡng trực tuyến với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, tập trung. Những nội dung học tập trực tuyến được tổ chức trước và sau khóa học tập trung.
Trong bối cảnh hiện nay thì phương án 1 và phương án 3 đang được áp dụng phổ biến trong bồi dưỡng tại nhiều địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên một cách liên tục, ngay tại chỗ.
Kết quả cho thấy 100% học viên đồng ý với hình thức tổ chức bồi dưỡng kết hợp (khóa học trực tuyến hỗ trợ trước và sau bồi dưỡng tập trung); 80% học viên đánh giá rất cao ưu điểm của khóa học trực tuyến trong việc cung cấp tài liệu, nghe bài giảng, trao đổi và giải đáp thắc mắc, nghiên cứu tình huống,…; 65% học viên đồng ý với các hình thức như hội thảo, seminar trực tuyến, truyền hình trực tuyến; 90% học viên đồng ý cần tích cực chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm cá nhân của người học trên khóa học trực tuyến.