Việc 24 cuốn sách cổ bị mất được dự đoán trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tìm kiếm sách thất lạc và “xác định trách nhiệm liên quan”.
Bị nhầm lẫn hay ai lấy mất?
Một trang trong bộ 'Toàn Việt thi lục'. |
Trong thông báo chính thức của Viện Nghiên cứu Hán Nôm vào lúc 14 giờ 12 phút ngày 21/12, đơn vị này xác nhận có 25 cuốn sách bị thất thoát.
Sau vài giờ đưa ra thông báo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - xác nhận đã tìm thấy 1 trong số 25 cuốn sách cổ bị thất lạc. Đó là cuốn “Nam quốc địa dư chí” có ký hiệu ST.49 trong danh sách tài liệu.
“Cuốn sách này thực chất không bị mất, chỉ bị nhóm kiểm kê ghi ký hiệu nhầm từ ST.49 thành ST.48/3, và hiện tại sách vẫn đang tồn tại trên giá”, ông Cường cho hay.
Như vậy, còn 24 cuốn sách bị mất hoặc thất lạc. Trong đó có 4 cuốn “Toàn Việt thi lục” thuộc 3 bộ khác nhau - là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này hoàn thành năm 1768 và dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in. Ngoài ra còn bộ “Việt âm thi tập” do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn…
Câu hỏi đặt ra, các cuốn sách cổ này bị ai đó lấy đi hay đang nhầm lẫn ký hiệu trên giá? Tuy nhiên, phía Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn chưa thể có câu trả lời - bởi việc kiểm kê cần rất nhiều thời gian, công sức.
Khoảng tháng 3 - 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch Covid-19, lãnh đạo Viện đã làm việc với quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý…
Sau đó, lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua diễn ra, thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST và thiếu 6 thác bản bia.
Viện tiếp tục cho rà soát, tìm thêm được 4 quyển (do để sai chỗ trên giá) và 4 thác bản bia (để sai chỗ) còn 2 thác bản bị mất.
Đơn vị này sau đó đã ký văn bản bàn giao kho sách cho người quản lý mới. Đồng thời, làm vách ngăn để chia các phân kho, thay đổi quy trình quản lý sách gốc, giao trách nhiệm quản lý kho cụ thể, tránh nguy cơ tiếp tục thất thoát tài liệu.
Sự việc mất sách cổ được Viện dự đoán trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Ông Cường cho rằng, từ góc độ quản lý, sự việc thất thoát tài liệu được nhận thức là sự việc lớn, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm và giải quyết hậu quả, xử lý trách nhiệm.
Hơn 10% sách gốc bị hư hại
“Viện đã và sẽ tăng cường số hóa để có thêm hình thức lưu trữ hiệu quả, hiện đại. Đồng thời có ý kiến đề xuất biện pháp tu bổ, phục chế tài liệu xuống cấp, phân loại giá trị sách để phân cấp quản lý phù hợp. Trong di sản thành văn, có một số sách, tài liệu đặc biệt quý hiếm - được bảo quản đặc biệt ở nơi khác, bên ngoài viện”. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ngoài việc còn thất lạc (hoặc mất) 24 cuốn sách cổ, TS Nguyễn Xuân Diện - Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - cho biết: Khoảng 4.000 quyển sách cổ (hơn 10%) bị xuống cấp, hư hại vật lí, rách vài trang, bị hỏng bìa hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc cả quyển.
Thực trạng này cũng được lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác nhận. Theo đó, số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại theo tình trạng tự nhiên của bảo quản - nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, thực hiện chức năng nhiệm vụ do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân công, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục. Đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ có cơ hội tiếp cận tài liệu.
Nhằm bảo quản các tài liệu quý hiếm, tài liệu gốc đều được lưu tại Phòng Bảo quản. Viện tổ chức phục vụ bạn đọc nghiên cứu chủ yếu thông qua bản photocopy. Bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo Viện.
Tài liệu Hán Nôm đã và sẽ được số hóa để lưu trữ. |
So với việc mất 24 cuốn sách, việc bảo tồn các tư liệu cổ là thách thức lớn không chỉ với riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mà còn đối với toàn bộ các đơn vị, ngành lưu trữ và bảo tàng. Tuy nhiên, việc khoảng 4.000 quyển sách cổ (hơn 10% số sách gốc) bị hư hại cho thấy nỗi lo lớn trong công tác bảo tồn.
Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu - Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết: “Nhiều sách nhạc, hồ sơ và tổng phổ tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh… và ngay cả tủ tài liệu văn phòng hội cũng bị mối gặm nhấm hết”.
Theo chuyên gia thuộc Thư viện Quốc gia Việt Nam, sự xuống cấp hư hại tài liệu có thể được chia ra hai nhóm nguyên nhân: Bảo quản - xử lý bảo quản thực tế tài liệu chưa tốt và phương pháp lưu trữ - trưng bày, sử dụng chưa thích hợp.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất mang tính khách quan từ điều kiện khí hậu, môi trường, côn trùng, nấm mốc, chất hóa học... Để giảm thiểu, phải có yêu cầu đặc biệt về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất cũng như những trang thiết bị để phục chế tài liệu hiện nay còn rất thiếu thốn, lạc hậu không thể khắc phục cách triệt để.
Nhóm nguyên nhân thứ hai ngược lại mang nhiều yếu tố chủ quan, liên quan trực tiếp đến quá trình sử dụng tài liệu. Nhóm nguyên nhân này hoàn toàn có thể kiểm soát.