Anh chị vốn là đồng hương, sau thời gian học đại học, có nghề nghiệp ổn định thì lấy. Hồi yêu nhau, biết tính anh gia trưởng nhưng không ngờ đến nỗi thế này.
Hai vợ chồng công tác ở TPHCM, mỗi năm họa hoằn lắm mới về thăm quê được một lần. Anh là con trai trưởng nên Tết nào hai vợ chồng cũng phải thu xếp về quê cho trọn nghĩa. Nhưng chỉ là về quê nội thôi, dù quê ngoại chỉ cách đó hơn 50 cây số.
Tết đầu tiên sau khi lấy nhau, anh tuyên bố: Về nhà nội ăn Tết. Chị nghĩ, năm đầu tiên làm dâu cũng phải ở trọn Tết nhà chồng cho phải đạo. Hết Tết, trên đường ra sân bay để vào Sài Gòn, vợ chồng chị mới tạt qua nhà ngoại. Ông bà thương con gái nên cũng không trách móc gì.
Cứ ngỡ cái Tết đầu tiên ở nhà chồng phải thế. Ai dè, năm nào anh cũng bắt vợ ăn Tết ở nhà nội. Anh tuyên bố thẳng thừng, sáng 30 Tết về chúc Tết ông bà ngoại là đủ rồi, Tết phải dành thời gian mà lo cho nhà chồng.
Cãi cũng chẳng được, chị lẳng lặng mang vali về nhà chồng ăn Tết trong tâm trạng chán nản và thương bố mẹ mình.
Được cái chuyện tiền nong, quà cáp anh không hẹp hòi với nhà ngoại. Duy chỉ có cái tình gia trưởng đến độc đoán, tàn nhẫn thì chị vẫn không tài nào làm quen được. Cãi nhau, chị nhịn cho yên ấm cửa nhà nhưng cứ đến dịp Tết là hai vợ chồng khẩu chiến.
Bố mẹ chồng chị cũng gia trưởng chẳng kém chồng. Ba ngày Tết, ông bà bắt con dâu phải có mặt ở nhà để “người ta còn trông vào”. Chị ngán ngẩm: “Tết, ai rỗi hơi mà chỉ chăm chăm lo việc con dâu hàng xóm có ở nhà suốt 3 ngày không?”.
Có lần, chị thử xin phép bố mẹ chồng mùng Hai về Tết ông bà ngoại. Ông bà thẳng thừng: Muốn đi đâu thì ra Tết. Còn 3 ngày Tết chị phải có mặt ở cái nhà này”.
Bố mẹ chị sinh được 2 chị em. Cô em gái lấy chồng ở mãi Lạng Sơn, hoàn cảnh cũng khó khăn nên có phải năm nào cũng về quê ăn Tết được đâu.
Ngày Tết, cứ nghĩ đến cảnh hai ông bà già thui thủi với nhau chị lại không cầm được nước mắt. Thành ra, 3 ngày Tết chị chẳng thể nào mà vui được.
Khách đến chúc Tết, có ra chào, nụ cười chị cũng méo mó. Thấy bố mẹ chồng mãn nguyện vì khách khen có cô con dâu tốt, Tết nào cũng về, chị chua xót, cố nén nước mắt trào ra. Nhưng rồi thương bố mẹ mình, chị cũng phải nín nhịn vì sợ người ta bảo các cụ không biết dạy con.
Năm nay, cuộc khẩu chiến bắt đầu từ khi có kế hoạch về quê ăn Tết. Anh vẫn lạnh lùng với lịch trình: 25 về nhà nội. 29 về nhà ngoại, chiều 29 lại về nhà nội và ở nhà nội cho hết Tết.
Anh lại tua đi điệp khúc: “Con gái lấy chồng rồi thì phải về mà lo cho nhà chồng. Cả năm đi, có mấy ngày Tết về nhà chứ nhiều nhặn gì. Còn muốn ăn Tết với bố mẹ thì đừng có lấy chồng”.
Ừ, thì lo cho nhà chồng nhưng ở quê có việc gì nhiều đâu mà lo. Mọi thứ chị đã chu toàn từ trước ngày Tất niên. 3 ngày Tết, trừ ngày mùng Một làm cơm cúng tổ tiên ở nhà thờ họ thì chẳng có việc gì phải làm ngoài việc ngày chuẩn bị 3 bữa ăn. Mà thức ăn thì sẵn đó cả rồi, chỉ xào đĩa rau, cắm nồi cơm cho nóng nữa là được.
Lần này chị không nhịn nữa. Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, chị còn bố mẹ mà về Tết chứ vài năm nữa, biết đâu… “Mùng Hai Tết này em về nhà ngoại. Bố con anh muốn ở lại nhà nội thì tùy. Bố mẹ em sinh con, nuôi nấng, cho ăn học cũng cạn mồ hôi, khô cả máu rồi mới cho đi lấy chồng.
Là dâu trưởng, em có trách nhiệm với nhà chồng nhưng em cũng là con của bố mẹ em, em cũng phải có trách nhiệm với bố mẹ mình. Đó không phải chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, còn là cái đạo lý ở đời. Sau này con gái mình cũng đi lấy chồng, anh có muốn Tết chỉ còn hai thân già thui thủi với nhau?”.
Những lời gan ruột của chị chẳng mảy may tác động đến anh. Mặt anh đỏ gay lên: “Tùy cô, cô về nhà ngoại thì về hẳn đó mà sống. Nhà tôi không có loại dâu con như cô”.
Chị ức trào nước mắt nhưng lần này chị quyết rồi. Cha mẹ chị cũng đâu còn nhiều thời gian để đợi con về ăn Tết…