Lúc nào cũng thế, gần những ngày tết, người dân quê tôi thường bận rộn với mùa vụ. Từ sáng sớm tinh mơ, trời còn nhá nhem tối, sương mù đang giăng dày đặc khắp đường làng thì các bà, các mẹ, các chị đã ra đồng. Tiếng cười nói vang khắp từ các ngõ xóm ra tận cánh đồng quê. Trên những thửa ruộng xăm xắp nước còn mới tinh những đường cày, những hàng mạ non xanh mơn mởn được gieo xuống.
Như có phép màu, khi mặt trời lên cao là lúc cả cánh đồng trải dài một thảm xanh non tăm tắp hàng lối. Cấy lúa xong, các xóm tổ chức quét dọn, cuốc cỏ ở các lối đi, sơn lại tường, nhà văn hoá xóm với những câu khẩu hiệu đón tết đầy khí thế để “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Các gia đình trong hôm 23 tháng chạp cúng ông táo về trời đều có một cây nêu thật đẹp với những lá cờ đỏ sao vàng được treo ở đầu ngọn nêu tung bay phấp phới trong gió. Đèn nhấp nháy đủ màu sắc được trang trí quanh cây nêu. Cổng xóm, cổng nhà tưng bừng ánh sáng. Những cành đào chúm chím nụ hồng được chặt từ ngoài vườn vào để trang trí đèn nhấp nháy và những quả bóng đủ màu sắc.
Theo quan niệm của dân gian, những cành nào có đủ nụ, hoa và quả thì cành đào ấy báo hiệu tài lộc và sự hưng vượng trong năm sẽ vào nhà gia chủ dồi dào. Việc chuẩn bị đồ ăn tết ở người dân quê cũng khác biệt ở thành phố. Bên cạnh việc mua sắm hoa quả, bánh kẹo, vật dụng gia đình ở các quầy tạp hóa, người dân quê còn tự túc thức ăn ngày tết.
Thức ăn đó là từ những luống rau cải, những hàng xà lách, vồng khoai lang, bụi rau bầu xanh mướt rợp khu vườn hay những chiếc bắp cải trắng xanh tròn lẳn kiêu hãnh khoe mình dưới nắng xuân rực rỡ. Bao nhiêu chiếc ao làng cũng được người dân quê tôi tung lưới, đặt nơm để đánh bắt. Mùi bùn đất tanh nồng với bao nhiêu mẻ cá, tôm được quăng lên dải đất trống… như quẫy gọi mùa xuân ấm no đến xóm làng.
Các gia đình còn chung nhau làm thịt lợn, thịt trâu, thịt bò. Những bếp lửa to được nhen lên, dao thớt, xoong nồi, rổ rá, các thứ lộc thơm được chuẩn bị đầy đủ. Người lớn xúm xít lại, đàn ông thì mổ thịt, đàn bà chuẩn bị các vật dụng cần thiết và nấu ăn. Mấy gia đình tập trung tại một nhà cùng nhau ăn bữa cơm cuối năm ấm cúng. Mùi thịt thơm, mùi lạc rang, mùi các thứ lộc thơm quyện lại,… thật hấp dẫn.
Những chuyện đồng áng, chuyện sinh hoạt thường ngày đến chuyện giá cả, chính trị, bóng đá,… được đem ra bàn luận sôi nổi. Sau bữa ăn, mọi người quây quần quanh ấm chè xanh ấm nóng với những bát nước sóng sánh vàng. Không chỉ vậy, các loại bột được xay ra để làm bánh. Có loại bột sống được xay từ nếp nguyên hạt sau khi bóc vỏ, có loại bột chín được xay từ nếp đã được ngâm và rang vàng. Tôi còn nhớ ngày nhỏ cứ ngồi trực bên bà ngoại để xin một nắm cốm vàng ngọt thơm ấy.
Để làm bánh ong, bà còn rang lạc, vừng và lấy nước màu đỏ từ quả gấc hoặc quả xum phù (một loại quả màu đỏ, có lông bên ngoài, ruột đỏ). Tôi thích nhất lá lúc, bà đổ bột, nước màu, lạc rang vào khuấy đều khi mật mía sôi réo rắt trên bếp. Sau đó cho thêm gừng tươi giã nát hoặc dừa bào sợi để bánh dậy mùi thơm. Khi những thứ trên đã tạo thành hỗn hợp đặc sệt, quyện chặt vào với nhau trong một nồi bánh thơm phức thì bắc xuống cho ra mâm để sẵn hạt vừng trắng đã rang chín.
Từ đó, đổ ra khuôn rồi nén lại hoặc nặn hình theo ý thích của mình. Những nắm đồ đày bà cho chúng tôi thưởng thức vừa ấm nóng và ngọt thơm làm sao! Các lọai mứt dừa, mứt cà rốt, mứt bí, mứt gừng,… cũng được các bà, các mẹ, các chị em trổ tài khéo léo quanh các bếp lửa. Vui nhất là không khí chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét vào chiều 29 tết. Hầu như mọi thành viên đều tham gia.
Bà thường chẻ lạt, tôi thì rửa sạch, lau khô lá dong, mẹ thì ngâm nếp, vớt nếp cho ráo và chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh. Những chiếc bánh chưng vuông vức và những chiếc bánh tét hình trụ gói chặt bởi nhiều lần lạt buộc lần lượt được mẹ sắp vào nồi từng cặp.
Bếp lửa được nhen lên bằng những viên gạch táp lô và những thanh củi to đượm lửa. Xong bữa cơm tối, cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng vừa hơ tay vừa trò chuyện,… xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Thường bánh chín vào lúc đã khuya, lũ trẻ chúng tôi ngủ lăn khoèo, bố hoặc mẹ dậy vớt bánh cho ráo rồi ép bánh. Sáng sớm mai, khi chúng tôi tỉnh dậy, những chiếc bánh nhỏ bố gói hôm qua được bóc ra, chao ôi, thật ngon mắt, cắn từng miếng thơm dẻo, âm ấm mà thích thú vô cùng!
Ngày cuối cùng của năm thật đặc biệt. Tiếng trống nhà thờ họ vang lên, mùi hương trầm vương đầy không gian nghe thật ấm cúng, thiêng liêng và thân thuộc. Gần trưa 30, lũ trẻ chúng tôi xúng xính trong những bộ quần áo mới xách túi quà có chai rượu, thẻ hương và cặp bánh chưng đến nhà thờ họ cùng bố, miệng hát líu lo, chân huýt sáo,… Tết đến đầy lo toan nhưng cũng thật êm đềm và vui tươi. Chúng tôi đã lớn lên từ những ngày tết quê như thế!
Anh Sơn, ngày 31/1/2019