Môi trường được giữ gìn
Những năm trước đây, cứ vào dịp Tết ông Công, ông Táo, sau khi thả cá chép xuống sông và ao hồ, không ít người dân đã vứt bừa bãi túi nilon trên bờ, gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hành động này ít dần, thậm chí nhiều khu dân cư tại các quận nội thành, con người đã có hành động đẹp, bỏ rác vào đúng nơi quy định. Hành động nhỏ, ý thức đẹp đã làm thay đổi thói quen xấu của nhiều người trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống.
Chị Thu Huyền, nhà ở khu bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Điều đáng khen là ý thức của người dân khi thả cá chép cúng ông Công, ông Táo ngoài hồ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Khu thả cá có thùng đựng rác của công ty vệ sinh môi trường. Chính vì thế, sau khi thả cá xuống hồ, người dân tự thu gom túi nilon rồi bỏ vào thùng, không còn cảnh rác vứt bừa bãi”.
Tại cầu Diễn, mấy năm trở lại đây, cứ đến dịp này, nhiều thanh niên mặc áo xanh tình nguyện đứng trên cầu giúp người dân thả cá chép xuống sông, sau đó gom rác vào túi nilon. Các vùng dân cư nội thành, hình ảnh giữ gìn môi trường của người dân cũng được nâng cao.
Chị Bình, công nhân vệ sinh môi trường phường Nghĩa Đô phấn khởi cho biết: “Cả khu vực này chỉ có mỗi hồ trong công viên Nghĩa Đô, vì thế lượng dân ra thả cá rất đông. Để ngăn chặn tình trạng dân mang túi nilon đựng cá, thả cá xong không vứt bừa bãi trên bờ, Công ty Vệ sinh môi trường đã đặt cố định một xe chở rác ngay cạnh bậc lên xuống hồ, rất tiện lợi cho dân bỏ rác đúng nơi quy định. Người này nhìn người kia, người trước nhìn người sau nên tự người dân có ý thức bảo vệ môi trường sau khi đi thả cá”.
|
Thu hút thanh niên tình nguyện
Giữ gìn môi trường trong dịp Tết ông Công, ông Táo gần đây có sự góp sức không nhỏ của các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên. Màu áo xanh tình nguyện đã trở nên thân thương với nhiều người dân Thủ đô khi đi thả cá chép tại một số điểm trong nội đô.
Lương Tấn Minh, thành viên trong ban điều hành của chiến dịch “Đường Táo quân” cho biết: “Đây là mùa thứ 6 em tham gia chiến dịch. Mỗi năm chiến dịch tập hợp được khoảng gần 300 thanh niên tình nguyện, có cả học sinh, sinh viên, chung tay bảo vệ môi trường bằng cách tham gia tuyên truyền, giúp người dân thay đổi hành vi thả túi nilon và đồ thờ cúng xuống sông, góp phần thay đổi nhận thức, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa. Các thanh niên tình nguyện sẽ cắm chốt tại cầu Long Biên, Hồ Đắc Di, Quảng Bá từ 6 giờ 30 - 17 giờ. Cầu Long Biên đông nhất, có 50 thanh niên tình nguyện, chia hai bên cầu. Sau khi giúp dân thả cá xuống sông, thanh niên tình nguyện sẽ thu gom rác, mang vào điểm tập kết rác của Công ty Vệ sinh môi trường phía đầu cầu”.
Để có được số lượng đông thanh niên tham gia chiến dịch, trước đó khoảng 2 tuần, chiến dịch đã đăng tải trên mạng nội bộ của nhóm (Facebook, YouTube) để tuyển thành viên. Công việc của họ diễn ra trong 3 ngày (21 - 23 tháng Chạp) gồm các hoạt động như: Cầm biển tuyên truyền tại các nút giao thông, các điểm đầu cầu, ven hồ; Truyền thông trên mạng xã hội với các nội dung bài viết, hình ảnh, video clip nhằm phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường trong ngày 23 tháng Chạp; Trực tiếp vận động, thả cá chép, thu gom túi nilon, đồ thờ cúng của người dân, tập kết đúng nơi quy định.