“Mỗi người đều có trách nhiệm với CPTPP“

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, mỗi người, mỗi thành phần của nền kinh tế đều cần nhận thức và thực hiện trách nhiệm của mình với CPTPP, được vậy mới mong có “bước nhảy vọt”.

CPTPP có hiệu lực mang đến nhiều cơ hội và cả những thách thức với Việt Nam. Ảnh minh họa
CPTPP có hiệu lực mang đến nhiều cơ hội và cả những thách thức với Việt Nam. Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, CPTPP là một hiệp định có rất nhiều quy định mới và tiến bộ như bảo vệ môi trường, lao động, công khai minh bạch chống tham nhũng… lần đầu tiên Việt Nam cam kết và dự kiến sẽ được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, đây là một trong những quyết định sáng suốt, là bước tiến quan trọng, đáng ghi nhận trong thời gian qua của Việt Nam nhằm tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, cải thiện điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN), và quan trọng nhất là cải cách mạnh mẽ thể chế.

“CPTPP có hiệu lực là điều chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các thành viên, phù hợp với chiến lược của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế. Đây là cơ hội để có ‘bước nhảy vọt’ về trình độ quản lý DN, quản lý Nhà nước và thực hiện nâng cấp chất lượng sản phẩm dịch vụ”, ông Lê Đăng Doanh khẳng định.

Còn chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, CPTPP có những tác động nhiều chiều, dĩ nhiên một thị trường lớn, chiếm đến 1/4 tỷ lệ mậu dịch toàn thế giới sẽ mang lại nhiều thuận lợi. "Nhưng chính những bất ổn toàn cầu hiện tại cũng có thể gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến thị trường chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khó có thể đạt mức 3% (theo IMF) khiến cho những lợi ích từ CPTPP không lạc quan như dự báo”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, những biến động đó cũng không hẳn là luôn mang đến “mây đen”, vì vậy, cần phải theo dõi tình hình để nắm bắt được cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng từ khủng hoảng trên thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Việt Nam kém phát triển hơn các nước còn lại trong CPTPP, khả năng cạnh tranh và “sức khỏe” của các DN nội còn chưa bắt kịp với nhiều quốc gia trong khối, nên có những thách thức không nhỏ, bởi trong hội nhập, yếu tố quyết định nhất là năng lực, khả năng cạnh tranh.

Thêm vào đó, Nhà nước đứng trước thách thức lớn, phải kiến tạo thể chế, xây dựng luật pháp sao cho tương thích với những quy định, đòi hỏi khắt khe của CPTPP.

“CPTPP khác với những hiệp định khác, ngoài phạm vi hoạt động thương mại, dịch vụ, đầu tư, còn có những vẫn đề khác cần bảo đảm tuân thủ như công đoàn, quy định về doanh nghiệp Nhà nước, môi trường… Từng ngành, lĩnh vực có thách thức khác nhau. Thời điểm này cần phải xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để tận dụng được những cơ hội, và vượt qua các thách thức đó”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ngành gặp thách thức lớn nhất là nông nghiệp. “Như các sản phẩm của ngành chăn nuôi có thể gặp thách thức từ việc năng suất, chất lượng, quy chuẩn an toàn thực phẩm của các nước tốt hơn chúng ta rất nhiều, nếu không tích cực nâng cao, có thể ‘thua’ ngay trên sân nhà”.

Theo ông Ngô Trí Long, cơ hội sẽ đến với những ngành dệt may, da giày… do Việt Nam đã có truyền thống, điều kiện sản xuất tốt, CPTPP có hiệu lực sẽ là bước đà để mở rộng quy mô vầ chiếm lĩnh khi mở rộng thị trường. “Tuy nhiên ngay cả khi được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, ngành này vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đó là các DN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu đầu vào, một việc xưa nay còn buông lỏng nhưng lại là tối quan trọng trong tạo dựng lòng tin với khách hàng”, ông Ngô Trí Long cho biết.

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng các sản phẩm nông sản, thủ công nghiệp chính là thế mạnh của Việt Nam so với các nước trong khối. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thừa nhận rằng, sức cạnh tranh của các DN Việt cũng còn rất yếu do quy mô sản xuất, nuôi trồng phần nhiều nhỏ lẻ, manh mún chưa tận dụng được công nghệ mới.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam nên nắm vai trò bổ sung cho các nền kinh tế khác. Vị chuyên gia lưu ý, tỷ lệ giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm nông sản, dịch vụ, du lịch có thể cao lên còn sản phẩm lắp ráp, điện tử sẽ không có nhiều biến động do tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa không cao. “Cần đẩy mạnh khâu chế biến nông sản. Ví như không xuất khẩu quá nhiều tôm đông lạnh mà hợp tác với Nhật Bản làm thành các món ăn tiện lợi, tăng giá trị, những mặt hàng Nhật Bản đang rất cần và ưu chuộng do thiếu lao động thực hiện”, ông Lê Đăng Doanh gợi ý.

Nên ủng hộ hàng Việt Nam

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể đưa GDP của Việt Nam tăng 1,32%; xuất khẩu tăng 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, để những con số này không “nằm trên giấy”, TS. Ngô Trí Long cho rằng, mỗi người, mỗi thành phần của nền kinh tế đều cần phải nhận thức và thực hiện trách nhiệm của mình với CPTPP. 

Nhà nước phải phát huy vai trò kiến tạo, tạo lập thể chế thuận lợi. Các DN phải tìm ra được điểm mạnh, yếu của mình và có những giải pháp cụ thể để khắc phục. Một doanh nghiệp nhỏ, yếu không nên ngần ngại, đứng ngoài mà có thể chọn cách tham gia chuỗi, liên kết năm bắt cơ hội.

Người dân nên ủng hộ hàng hóa của Việt Nam. “Việc người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn là quy luật thị trường, tuy nhiên nếu sản phẩm đã đạt đến mức một 9-một 10 thì cũng nên cân nhắc ưu tiên, ủng hộ hàng Việt hơn”.

Những việc này phải được thực hiện đồng thời, tuy nhiên kiến tạo thể chế là điều kiện cần tiên quyết để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức mà CPTPP mang lại. “Không hội nhập cũng cần cải cách nhưng khi đã bước vào hội nhập cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa”, ông Ngô Trí Long khẳng định.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ, Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị cho CPTPP nhưng đến nay sự hướng dẫn của các cơ quan, hiệp hội vẫn chưa đầy đủ. Các nội dung hướng dẫn còn khiêm tốn, chưa cụ thể. Vì vậy, cần dồn sức giúp các DN hiểu rõ các quy định để họ chủ động trong sản xuất kinh doanh và nhận thức được nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, khác hẳn với những hiệp định từ trước nay chúng ta ký.

Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu góp ý thêm rằng đội ngũ luật sư chuyên về CPTPP, thành thạo ngoại ngữ cũng vô cùng cần thiết để có thể bảo vệ các DN trong nước trước những vụ tranh tụng quốc tế.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đối với ngành nông nghiệp-ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là cải tổ toàn diện để sản xuất trên quy mô lớn, hiện đại hơn, năng suất cao hơn, chỉ có vậy mới có thể hấp thụ được những công nghệ mới. Phải tổ chức những hợp tác xã hiệu quả để những nhà nông nhỏ lẻ có thể chung sức với nhau.

Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho nông dân. Tại thời điểm này các nhà nông vẫn còn gặp khó trong huy động vốn, chỉ có một vài ngân hàng chuyên về nông nghiệp nên tình trạng nông dân vay tín dụng đen khá phổ biến.

“Làm sao phải biến nông sản của Việt Nam thành nông sản toàn cầu vì dù hàng hóa có tốt đến đâu nhưng không đi kèm với thương hiệu cũng không thể thu hút được những khách hàng tiềm năng, khó tính”, ông Hiếu nói.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ