Tết Nguyên đán 'trắng'

GD&TĐ - Ở các nước cộng hòa Siberia, Buryatia, Tuva, Altai cùng 2 vùng Kalmykia, Kavkaz trong Nga, Tết Nguyên đán còn kéo dài cả tháng và rất 'trắng'.

'Tháng trắng' kéo dài cả tháng với rất nhiều hoạt động vui chơi. Ảnh: Rbth.com
'Tháng trắng' kéo dài cả tháng với rất nhiều hoạt động vui chơi. Ảnh: Rbth.com

“Bí sử”, cuốn sách Mông Cổ được viết vào năm 1240 ghi, vào ngày mùng 1/1, Khả Hãn Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, bái thiên địa, lạy mẫu thân và mừng tuổi cho các cao niên.

Đến nay, người Mông Cổ trên khắp thế giới vẫn duy trì tục lệ này. Ở các nước cộng hòa Siberia, Buryatia, Tuva, Altai cùng 2 vùng Kalmykia, Kavkaz trong Nga, Tết Nguyên đán còn kéo dài cả tháng và rất “trắng”.

“Tháng trắng”

Người Mông Cổ gọi Tết Nguyên đán là Sagaalgan. Trái với sự yêu thích màu đỏ của người Hán, người Mông Cổ chuộng màu trắng. Vào thế kỷ XIII, khi Trung Quốc dưới sự cai trị của nhà Nguyên với các hoàng đế là người Mông Cổ, Tết Nguyên đán trắng theo đúng nghĩa đen.

Theo ghi chép của thương nhân kiêm nhà thám hiểm Ý, Marco Polo (1254 - 1324), Sagaalgan là dịp Đại Hãn cùng toàn thể thần dân chào đón năm mới. Từ hoàng đế đến thần dân, đàn ông đến đàn bà, trẻ con đến người già, ai ai cũng phải mặc trang phục trắng.

Nếp chuộng màu trắng của người Mông Cổ xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo. Trong nguyên lý của đạo Phật, ngày đầu Xuân đại diện cho sự tái sinh, tẩy sạch “nghiệp” năm cũ và hân hoan đón “cát” năm mới.

Theo thông lệ, người Mông Cổ tắm rửa sạch sẽ trước Giao thừa, thay quần áo trắng và chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo được làm từ sữa, trong đó chủ yếu là bánh kẹo màu trắng.

Trải qua nhiều thế kỷ cũng như các thăng trầm lịch sử, Sagaalgan ngày nay cũng vẫn “trắng” như thuở nào. Giữa rừng taiga nằm ở phía Đông Siberia, người dân nước Cộng hòa Buryatia nô nức làm một loạt các bánh kẹo, món ăn “trắng” như sữa, phô mai, kem chua, cháo đặc, bánh không men… và hầm thịt cừu, nặn bánh bao. Trước phút Giao thừa, trên bàn thờ của hộ gia đình nào cũng đặt đĩa bánh kẹo trắng.

Vào ngày đầu năm mới, quảng trường Ulan-Ude (Buryatia) xuất hiện nhân vật thường niên là Bạch Lão. Trong tín ngưỡng Phật giáo của người Mông Cổ, đây là vị thần mang lại sự hòa bình và cân bằng.

Ông vừa ban phát sự trường thọ, thịnh vượng, hạnh phúc… vừa giám hộ nhân loại. Ở Buryatia, Bạch Lão còn được cấp nơi ở riêng là căn lều khổng lồ tại Verkhnyaya Berezovka, Bắc Ulan-Ude. Giữa không khí nô nức mừng Xuân, Bạch Lão cũng nhảy múa, hô to khẩu hiệu “Chúc mừng năm mới”.

Mặc dù đã Xuân, khí hậu Buryatia vẫn mùa Đông, có năm còn lạnh tới âm 40 độ C. Tuyết trắng xóa bay đầy trời, phủ kín vạn vật. Tuy nhiên, khác với truyền thống ăn vận trang phục trắng đón Tết ngày xưa, cư dân Buryatia bây giờ thoải mái mặc quần áo đủ màu. Giữa không gian tuyết phủ trắng xóa, các cánh áo mới khoe vẻ đẹp lộng lẫy, khiến Sagaalgan càng thêm rộn rã.

Bạch Lão, nhân vật không thể thiếu trong Sagaalgan. Ảnh: Rbth.com

Bạch Lão, nhân vật không thể thiếu trong Sagaalgan. Ảnh: Rbth.com

Khấn nguyện và đốt lửa

Sự kiện công cộng quan trọng nhất trong dịp đầu năm mới ở các vùng người Mông Cổ trong nước Nga là Khural - Lễ khấn nguyện. Khural được tổ chức trong các đền, chùa, do các sư trụ trì chủ trì. Từ 2 ngày trước đêm Giao thừa, Khural đã được tiến hành.

Một trong các nghi lễ quan trọng nhất của nó là Dugzhuub – thanh lọc thân tâm, diễn ra trước đêm Giao thừa. Dugzhuub giúp người Mông Cổ gột sạch bụi bẩn bám trên người và ý xấu bám trong tâm trí, lấy lại tấm thân thanh khiết và tinh thần trong sạch, vui vẻ gạt bỏ năm cũ bước sang năm mới.

Nhân vật chính của Dugzhuub là Sor, hình nộm bằng gỗ, giấy và bột có phần đầu mang dáng dấp sọ người. Nó tượng trưng cho những tội lỗi, bất hạnh mà con người mắc phải trong năm cũ. Cuối Dugzhuub, Sor bị đặt vào trong lửa trại và thiêu cháy trong tiếng tụng kinh.

Việc đốt Sor tượng trưng cho xóa sạch mọi bất hạnh trong năm vừa qua. Sau khi tụng kinh xong, các nhà sư quay đầu bước trở lại chùa, không nhìn lại ngọn lửa lần nào. Những người tham dự Dugzhuub cũng quay lưng trở về nhà, bỏ lại đống lửa phía sau.

Cuối buổi lễ Dugzhuub, hình nộm Sor đại diện cho bất hạnh, tội lỗi bị đem đi đốt. Ảnh: Rbth.com

Cuối buổi lễ Dugzhuub, hình nộm Sor đại diện cho bất hạnh, tội lỗi bị đem đi đốt. Ảnh: Rbth.com

Người Mông Cổ có lệ thức thâu đêm chờ Giao thừa, đón tân Xuân. Trong lúc chờ Giao thừa, họ quây quần cùng gia đình nặn bánh bao may rủi. Nhân của bánh bao may rủi vô cùng đa dạng, những cái thơm, ngọt, ngon đại diện cho may còn khó ăn là rủi.

Người Mông Cổ ăn bánh bao may rủi như chơi trò chơi, xem cái may, rủi trong miếng bánh bao đầu tiên như điềm báo vận khí năm mới. Ngày mùng 1/1, họ tụ tập tại các điểm công cộng như quảng trường.

Ở Nga, người ta hô to khẩu hiệu chúc mừng năm mới bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng địa phương. Tại Buryatia, Sagaalgan năm nào quảng trường Ulan-Ude cũng chật cứng người. Cư dân Buryatia rất nhiệt tình trong việc chuẩn bị quảng trường đón Tết, lắp cả cầu trượt cho trẻ em chơi và mở hội chợ lớn.

Trong khi ở các nước Đông Nam Á, Tết Nguyên đán chỉ kéo dài một tuần, nhiều lắm là 10 ngày thì ở Nga, Sagaalgan cả tháng. Trong suốt “Tháng trắng” này, Cộng hòa Siberia, Buryatia, Tuva, Altai và 2 vùng Kalmykia, Kavkaz tưng bừng hội chợ, hòa nhạc và tiệc tùng, chúc tụng.

Ở Buryatia, người dân liên tục biểu diễn Yokhor, điệu múa vòng tượng trưng cho vòng tròn sự sống. Chỉ cần gặp mặt nhau thì cho dù là người lạ hay người quen cũng sẽ vui vẻ chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trên đời.

Theo rbth

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp cao cấp nhập khẩu