Tết Độc lập trong ký ức người Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi người Hà Nội lại có một ký ức đón Tết Độc lập (2/9) khác nhau, người dậy từ sớm chờ đoàn diễu binh, người dạo phố để ngắm nhìn cờ hoa rực rỡ.

Cờ hoa trang hoàng trên nhiều tuyến phố Thủ đô chào mừng Quốc khánh 2/9.
Cờ hoa trang hoàng trên nhiều tuyến phố Thủ đô chào mừng Quốc khánh 2/9.

Mỗi người Hà Nội lại có một ký ức đón Tết Độc lập (2/9) khác nhau, người dậy từ ba, bốn giờ sáng chờ đoàn diễu binh, người rảo bộ qua nhiều con phố của Thủ đô để ngắm nhìn cờ hoa rực rỡ…

Nhớ mùa Thu lịch sử

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (70 tuổi), nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho biết, thường ngày ông vẫn đi bộ để ngắm đường phố Thủ đô. Như mọi năm, Ngày Quốc khánh luôn mang đến một cảm xúc rất khác trong ông.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nhiều người Hà Nội, nhất là những người sinh ra và lớn lên tại đây sẽ có nhiều ký ức đẹp về Ngày Quốc khánh. “Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Tôi luôn tự hào về Hà Nội, cũng như thấy thật vinh dự khi thành phố là nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình là một dấu mốc lịch sử quan trọng. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý khẳng định nước Việt Nam tự do độc lập với toàn thế giới. Đồng thời thể hiện tinh thần Việt Nam yêu chuộng hòa bình...”, ông Trung nói.

Dịp Quốc khánh 2/9 là thời điểm mà trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để mọi người Việt Nam cùng nhớ tới những công lao hy sinh to lớn của cha ông và kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc. Nhớ lại chặng đường lịch sử gian khổ, hào hùng đó, thế hệ trẻ ngày càng phải ra sức, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp.

Không chỉ ở nội thành, vùng ngoại ô của Hà Nội cũng hân hoan chuẩn bị các hoạt động để chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9. Ông Bùi Văn Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) - chia sẻ, sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội, bà con nơi đây vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa người Mường. Dịp Tết Độc lập, xã Đông Xuân và lãnh đạo các thôn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để cùng bà con chào mừng ngày hội lớn của dân tộc.

“Xã Đông Xuân tổ chức giải bóng chuyền hơi, bóng chuyền da và giao lưu văn nghệ. Những ngày này mỗi gia đình đều treo cờ Tổ quốc để bày tỏ niềm vui, hân hoan chào mừng Tết Độc lập 2/9. Trên các tuyến đường liên thôn, trụ sở cơ quan, đơn vị cũng được trang trí hoa, treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng tạo diện mạo, không khí ngày lễ...”, ông Sâm nói. Theo ông Sâm, dịp 2/9 người dân nơi đây còn diện trang phục truyền thống của người Mường đi dự mít tinh, tham dự các hoạt động thể thao do xã, thôn tổ chức.

Căn nhà cách đây gần 80 năm Bác Hồ đã đến nghỉ ngơi trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Căn nhà cách đây gần 80 năm Bác Hồ đã đến nghỉ ngơi trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Về “địa chỉ đỏ” trước Tết Độc lập

Trong những ngày cả nước hân hoan đón Tết Độc lập 2/9, ông Công Ngọc Dũng (62 tuổi) tất bật dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc trong căn nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Đây là căn nhà mà gần 80 năm trước, Bác Hồ cùng với nhiều cán bộ cách mạng đã về đây nghỉ ngơi, trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong căn nhà năm gian lối cổ, ông Dũng hồ hởi giới thiệu những hiện vật gắn với Người như bộ tràng kỷ, chiếc máy đánh chữ…

Ông Dũng bày tỏ: “Tôi luôn thấy may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Được tiếp quản, trông coi ngôi nhà lưu niệm mà cách đây gần 80 năm Bác Hồ đã đến nghỉ ngơi trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một niềm vinh dự, tự hào rất lớn với tôi và gia đình”.

Theo ông Dũng, qua lời kể của cha ông, ngày 2/9/1945, hòa trong không khí tưng bừng của cả nước, gia đình ông cũng tiến về Quảng trường Ba Đình dự mít tinh. Nhiều năm trôi qua, theo lệ, trước mùng 2/9, ông Dũng đọc lại từng trang nhật ký, ngắm những kỷ vật gắn với Bác Hồ, Tết Độc lập năm xưa.

“Tôi muốn giữ niềm tin yêu với Bác Hồ. Đây cũng là cách để tôi thể hiện lòng tri ân tới các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Đến căn nhà này, các con, các cháu, các bạn trẻ khác và du khách thập phương sẽ hiểu hơn về tinh thần đấu tranh, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Với mỗi người tới đây, tôi đều kể lại các câu chuyện lịch sử, ký ức về một thời đã qua…”, ông Công Ngọc Dũng nói.

Năm nào cũng vậy gia đình cô giáo Lê Hoàn Châu (Trường THCS Nguyễn Công Trứ) cũng treo cờ Tổ quốc, trang trí lại nhà cửa gọn gàng, đẹp đẽ để đón Tết Độc lập.

“Trong dịp Quốc khánh, cả nhà thường ít đi xa, mà dành thời gian thăm lăng Bác, thăm Quảng trường Ba Đình hoặc lên bờ hồ Hoàn Kiếm đi dạo, ngắm phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Những lúc ấy, cũng như mọi người, mình cảm nhận rõ niềm hân hoan của nhân dân cả nước khi được sống trong thanh bình, đất nước độc lập, tự do và đang trên đà đổi mới...”, cô giáo Châu chia sẻ.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, hay khi làm công tác quản lý, cô giáo Châu luôn tâm niệm phải tăng cường lan tỏa đến học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về mảnh đất Ba Đình, về Thủ đô Hà Nội và đất nước, hiểu hơn ý nghĩa của Ngày Quốc khánh 2/9, giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập.

“Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là vinh dự của một người vốn có tình yêu sâu sắc với mảnh đất Ba Đình, với Thủ đô Hà Nội...”, cô giáo Lê Hoàn Châu nhấn mạnh.

Ngày Tết Độc lập đang đến gần, trong niềm hân hoan chung của cả nước, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) - nơi cô Châu công tác được trang trí đẹp mắt, rực rỡ cờ hoa. “Đó cũng là một cách để lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về Ba Đình, Thủ đô và đất nước”, cô Châu nói.

NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) vui với học trò dịp lễ 2/9.
NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) vui với học trò dịp lễ 2/9.

Giáo dục giới trẻ giá trị lịch sử

Trong căn nhà nép mình giữa phố cổ, NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội bày tỏ niềm phấn khởi khi cả nước đón mừng Tết Độc lập. Cô Hiền bồi hồi kể, cách đây gần 80 năm, cũng vào mùa Thu tháng 9, khi đó cô được sinh ra tại nhà hộ sinh trên phố Hai Bà Trưng.

“Là người được sinh ra, lớn lên và học tập tại Hà Nội, tình yêu với Thủ đô trong tôi cũng lớn dần theo năm tháng. Tôi nhớ mãi kỷ niệm, năm 1960, được vinh dự đại diện cho thiếu nhi Thủ đô tặng hoa cho các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Quảng trường Ba Đình.

Khi ấy, đông người lắm, tôi may mắn được chọn để tặng hoa bác Võ Nguyên Giáp. Sau đó, đoàn học sinh được Bác Hồ mời vào nhà sàn ở trong Phủ Chủ tịch. Sau khi nghe bác động viên, nhắn nhủ cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, Bác tặng cho mỗi bạn một gói kẹo...”, cô Hiền nhớ lại.

Đến năm 1965, thiếu nữ Hà thành Nguyễn Thị Hiền tạm rời giảng đường đại học, nhập ngũ. Khi chiến sự leo thang, quân đội cần các sinh viên biết tiếng Nga đi phiên dịch cho bộ đội tên lửa, cô Nguyễn Thị Hiền là một trong 8 nữ phiên dịch đầu tiên của Quân chủng Phòng không Không quân giữ trọng trách phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô. Đến năm 1968, cô trở về Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ký ức xưa ùa về, bà giáo đã ở nửa bên kia dốc cuộc đời như trẻ lại tuổi thiếu nữ của Hà Nội những ngày hào hùng ấy.

“Ngày 2/9 rất đặc biệt, là đại lễ nên thường có bộ đội duyệt binh. Ai cũng háo hức, cô cùng gia đình chờ từ 3 giờ sáng để xem quân đội hành quân qua các đường phố, dọc phố Hai Bà Trưng...”, cô giáo Hiền nói.

Dần dần, khi chiến tranh lùi xa, đất nước hòa bình, thói quen cũng thay đổi. Không đợi tới mùng 2/9, cô Hiền vẫn thường cùng con cháu qua Quảng trường Ba Đình xem lễ thượng cờ, hạ cờ Tổ quốc, thay gác.

“Khi làm công tác quản lý ở trường học, mỗi tiết chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, tôi đều nói với các em học sinh rằng để có được ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập thì rất nhiều người đã ngã xuống, hi sinh nên chúng ta phải trân trọng, biết ơn...”, cô giáo Hiền nói.

Cô Hiền cũng mong thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ ông, cha đi trước chia sẻ câu chuyện lịch sử dân tộc với bạn bè năm châu. Qua đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, làm việc để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. “Các bạn trẻ cần trân trọng những giá trị cốt lõi của Thủ đô chứ không vì hào nhoáng trước mắt mà quên đi lịch sử của Hà Nội, của dân tộc...”, cô Hiền bày tỏ.

Trong không khí náo nức dịp kỷ niệm Quốc khánh (2/9/2023), NGND Nguyễn Thị Hiền vẫn dành thời gian tâm sự với những bạn trẻ trong ngôi nhà nhỏ của mình ở phố Huế. Ngôi nhà lưu giữ được những nét xưa của người Hà Nội. Ở đó, lớp trẻ được nghe kể về những chuyến tàu điện leng keng, tiếng người rao hàng rong, tiếng loa buổi sáng của phố phường năm cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ