Tết của người Chứt

GD&TĐ - Đối với người dân tộc Chứt, ngoài Tết Nguyên đán còn có những cái Tết mang màu sắc độc đáo và rất riêng.

Tết của người Chứt

Độc đáo những cái tết truyền thống

Thuộc dân tộc rất ít người, người Chứt hiện có 43 hộ với khoảng 150 nhân khẩu sinh sống tại bản Rào Tre, xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Chứt vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn tết Lấp Lỗ và Tết Chăm – cha – bới.

Tết Lấp Lỗ của đồng bào Chứt thường được tổ chức tại bìa rừng, gần bản vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, với những lễ vật đơn giản nhưng trang trọng. Tết Lấp Lỗ được người Chứt tổ chức khi đã hoàn thành việc gieo hạt nương rẫy, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng, bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ và phát triển.

Người Chứt vui mừng đón Tết Cham - cha -bới
Người Chứt vui mừng đón Tết Cham - cha -bới

Một trong những nghi lễ quan trọng của người Chứt trong cả 2 ngày Tết đó là việc làm lễ để cúng tại bìa rừng. Vào ngày này, bà con dân bản đều gác mọi việc, cắt cử người theo thầy cúng chuẩn bị lễ. Khi mọi thứ xong xuôi, tất cả bà con tập trung về đây, chờ thầy cúng làm lễ.

Ông Hồ Púc – thầy mo có hàng chục năm “thâm niên” với công việc này. Ông Púc cũng chẳng nhớ ông làm nghề từ năm bao nhiêu. Trong trí nhớ mông lung của ông, khi còn là đứa con nít ông đã theo cha lên rừng cúng lễ. Rồi như cái nghiệp, lớn lên ông Púc cũng thay cha làm thầy cúng cho bản.

Sau khi khấn xong, ông Púc bốc một ít gạo trong chiếc bát đặt ở trên mâm cỗ, tung ra bốn phía để mời con ma rừng, các thần linh và những người đã khuất về hưởng. Hoàn thành nghi lễ, mâm cúng sẽ được đưa về bản và phân phát cho mọi người.  

Tết Chăm – cha – bới được tổ chức vào ngày 11/12 (âm lịch). Tết Chăm – cha –bới của dân tộc Chứt là một nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành, tồn tại và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tết Chăm- cha –bới cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng mang đậm triết lý nhân sinh.

Trong tiếng của người Chứt, Cham- cha - bới có nghĩa là mừng cơm mới. Bởi đây là thời điểm nông nhàn, người dân đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn Tết vui vẻ.

Người Chứt đi nhận thực phẩm để chuẩn bị Tết
Người Chứt đi nhận thực phẩm để chuẩn bị Tết

Người Chứt quan niệm, sau một mùa thu hoạch bội thu người dân lại làm lễ tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa.  Đó như một lời tri ân của đồng bào đối với mẹ thiên nhiên trong một năm qua. Đồng thời, họ cũng gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc thông qua những lời khấn của thầy mo thay mặt cho các gia đình trong bản.

Cả 2 cái Tết của người Chứt đều gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ tổ chức tại bìa rừng sau đó mỗi gia đình sẽ về làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia đình mình. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian mang nhiều nét đặc sắc…

Suốt trong những ngày Tết, cả bản tưng bừng trong không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống rồi nhảy múa, hát ca.

“Tết Lấp lỗ và Tết Chăm – cha  -bới  cũng là dịp để các thế hệ con cháu người Chứt nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè, cùng nâng chén rượu chúc cho nhau làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc”, bà Hồ Nam (65 tuổi) chia sẻ…

Tết mới no ấm

Ngày nay, nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng và sự quan tâm của các cấp chính quyền, những cái Tết cổ truyền của người Chứt cũng đầy đủ và sung túc hơn. Đặc biệt, gần 3 năm qua, người Chứt đã được đón những cái Tết trong ngôi nhà sàn bằng xi măng kiên cố.

Hướng dẫn bà con người Chứt làm bánh chưng
Hướng dẫn bà con người Chứt làm bánh chưng

“Người dân lúc trước chỉ biết vào rừng bắt những con thú nhỏ như gà rừng, thỏ… để làm lễ Tết thôi, ăn uống kham khổ lắm. Nhờ có Đảng với nhà nước quan tâm mà người Chứt ăn Tết to, không lo đói nữa”, bà Hồ Sen (73 tuổi – một trong những người lớn tuổi nhất bản) hào hứng.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã sắm sửa đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực cho bà con như: mắm, muối, thịt, cá… Tất cả đều được cân đong đo đếm, sau đó chia từng phần nhỏ chia đều cho mỗi hộ gia đình.

Công việc phân chia xong xuôi, bộ đội biên phòng sẽ phát loa thông báo bà con đến nhận tại trạm biên phòng Rào Tre (thuộc đồn Biên phòng Bàn Giàng).

Nhờ sự chung tay của nhiều lực lương chức năng, những các Tết của người Chứt ngày càng đầy đủ hơn
Nhờ sự chung tay của nhiều lực lương chức năng, những các Tết của người Chứt ngày càng đầy đủ hơn

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng bản Giàng) cho biết: “Giờ đây cuộc sống của người Chứt đã có nhiều khởi sắc. Bà con đã biết chăm lo sản xuất, tạo ra của cải vật chất. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, đồng bào cũng được đón những cái Tết no đủ hơn”.

Ngoài ra, thông qua các dịp lễ Tết, cơ quan chức năng đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu với những vùng dân tộc ở các tỉnh lân cận. Đây là hoạt động giúp người Chứt mở rộng giao lưu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Chứt, từng bước đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ