Người Chứt đón tết trong tổ ấm “đặc biệt”

GD&TĐ - Đồng bào người Chứt tại bản Rào Tre chuẩn bị đón cái tết thứ 3 tại bản tái định cư. Bà Hồ Sen - một người dân trong bản chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần sang các thôn khác thấy người ta có nhà mới mà mình cứ mơ.

Khu tái định cư mới của người Chứt tại Khe – Noong.
Khu tái định cư mới của người Chứt tại Khe – Noong.

Không ngờ gần cuối đời mình lại được Đảng, Chính phủ ưu tiên xây cho ngôi nhà tốt như thế”.

Đám cưới “xé toang” hủ tục

Gần 5 năm lại đây, tại bản Rào Tre không còn hôn nhân cận huyết. Những đứa trẻ đã được sinh ra khỏe mạnh từ những cuộc hôn nhân ngoại tộc.
Gần 5 năm lại đây, tại bản Rào Tre không còn hôn nhân cận huyết. Những đứa trẻ đã được sinh ra khỏe mạnh từ những cuộc hôn nhân ngoại tộc.

Từ Trung tâm xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), xe chúng tôi phải leo qua đèo Mục Bài gần 7km mới đến được bản Rào Tre - nơi có 44 hộ đồng bào Chứt đang sinh sống. Đây cũng là tộc người thiểu số duy nhất tại Hà Tĩnh.

Đến bản Rào Tre vào đúng dịp mùa hoa Cồng đang nở rộ, mùi hương hoa rừng thơm dịu thoảng trong gió. Ấy cũng là lúc bà con người đồng bào dân tộc Chứt tất bật chuẩn bị đón cái tết thứ 41 kể từ khi được hòa nhập với cộng đồng.

Gần 3 năm không lên bản, nhiều người trong đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cuộc sống bà con đồng bào đã nhiều khởi sắc. Trong những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi, nếp sống văn minh đang dần thay thế cho những hủ tục.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên (Tổ công tác Rào Tre, thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng) dẫn chúng tôi vào bản. Anh chia sẻ rằng: “Người Chứt hiện có 44 hộ với hơn 120 nhân khẩu.

Hiện nay có hơn 1/2 dân số đã được kiên cố hóa nhà ở. Người Chứt giờ có nhà xây rồi không lo mưa bão nữa”. Để dẫn chứng, thiếu tá Thiên dẫn chúng tôi tới thăm nhà bà Hồ Sen – người được xem như linh hồn của bản làng.

Ngôi nhà bà Hồ Sen thuộc một trong 6 căn được Bộ đội Biên phòng và MTTQ tỉnh phối hợp xây dựng. Mỗi ngôi nhà có thiết kế 3 gian, được “xi măng hóa” thay thế cho tranh vách nứa. Nói về ngôi nhà mới bà Sen vui lắm. Bà nói: “Trước đây, mỗi lần sang các thôn khác thấy người ta có nhà mới mà mình cứ mơ. Không ngờ gần cuối đời mình lại được Đảng, Chính phủ ưu tiên xây cho ngôi nhà tốt như thế”.

Thiếu tá Thiên còn cho chúng tôi biết, ngoài 6 ngôi nhà trong bản cũ thì hiện nay người Chứt đã có một khu tái định cư mới tại Khe – Noong với 11 ngôi nhà sàn bằng xi măng.

Khu tái định cư chỉ cách bản cũ khoảng 3km. Con đường vào khu tái định cư đã được trải nhựa. Âm thanh loa máy được phát ra những ngôi nhà còn thơm mùi vữa mới.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng, trưởng bản Hồ Kiên khoe những đổi thay về đời sống của bà con nơi đây. Gia đình chị là một trong 11 hộ dân cư đầu tiên về định cư tại Khe – Noong.

“Năm 2018, UBND huyện Hương Khê đã khảo sát, đầu tư xây dựng và di chuyển một phần dân số người Chứt ra khi tái định cư. Đến bản mới, mọi thứ đều hiện đại hơn, bà con phấn khởi lắm. Điện nước chẳng lo thiếu, tối nào cả bản cũng sáng trưng, vui lắm. Đây là cái tết thứ 3 tại khu tái định cư rồi”, Hồ Kiên cho biết.

Nhớ về những cái tết ở ngôi nhà tranh nứa trước đây, trưởng bản Hồ Kiên lắc đầu. Chị kể có năm tết trời mưa, cả 2 vợ chồng phải trùm bạt lên mái nhà. Tuy nhiên, chiếc tivi màu được hỗ trợ cũng bị ngấm nước, hư hỏng không thể sử dụng.

Từ hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của người dân, sau hơn 3 năm sinh sống ở bản tái định cư, cuộc sống của người Chứt nơi đây đã cơ bản ổn định. Bản đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt tập thể của bà con nhân dân. 100% số hộ được ngói hóa, có điện, phương tiện nghe nhìn hiện đại cũng được mua sắm...

Trong ngôi nhà mới, chị Hồ Thị Đình Xuân đang trang hoàng nhà cửa. Ảnh Bác Hồ được chị giữ sạch sẽ rồi đặt ở vị trí trang trọng nhất. Bên bếp lửa đỏ, chị Xuân được Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền phân phát nhu yếu phẩm để đón tết. Đây là năm thứ 3 chị được đón tết trong ngôi nhà khang trang này.

Những tổ ấm “đặc biệt”

Gia đình chị Hồ Thị Đình Xuân phấn khởi bên căn nhà mới tại khu tái định cư.
Gia đình chị Hồ Thị Đình Xuân phấn khởi bên căn nhà mới tại khu tái định cư.

Điều phấn khởi nhất ở khu tái định cư mới tại Rào Tre là những tổ ấm không còn hôn nhân cận huyết – hủ tục tồn tại bao đời của người Chứt. Theo trưởng bản Hồ Kiên, khu tái định cư có 11 hộ dân, trong đó có 2 hộ già và 9 hộ gia đình trẻ. Đặc biệt, cả 9 hộ gia đình trẻ đều là những cặp vợ chồng nên duyên không chung huyết thống.

Tiếp khách trong căn nhà mới, vợ chồng chị Hồ Thị Đình Xuân không giấu nổi niềm vui. Cách đây gần 5 năm, đám cưới của vợ chồng chị Xuân đã trở thành đám cưới “lịch sử” của người Chứt. Đám cưới đã “xé toang” hủ tục hôn nhân cận huyết của người Chứt nhờ sự mai mối của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Chồng chị - anh Võ Quốc Ánh (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) là người Kinh đầu tiên về làm rể tại bản Rào Tre.

Năm 2014, qua nhiều lần gặp gỡ, giao lưu công tác đoàn tại bản Rào Tre, Xuân và Ánh đã nảy sinh tình cảm với nhau nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình. Nhận thấy tình cảm chân thành của đôi trai gái, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng và chính quyền, đoàn thể xã Hương Liên đã làm cầu nối thuyết phục gia đình, đứng ra tổ chức lễ cưới giúp xây dựng tổ ấm.

“Đầu năm năm 2018, vợ chồng em là một trong 11 hộ dân về nhận nhà mới tại bản tái định cư. Nhà nước đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho chúng em khi cưới, nay lại làm nhà xây cho vợ chồng em ở nữa. Gia đình em mừng lắm”, Xuân nói.

Hiện trong bản đã có thêm 8 cặp vợ chồng người Chứt kết hôn với người ngoại tộc. Những thành viên mới đến đây không chỉ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, mà còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tăng gia sản xuất.

Từ chỗ thụ động thì nay đã biết xây dựng được một số mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi lợn. Điển hình như gia đình bà Hồ Thị Nam nuôi 5 con/lứa, gia đình chị Hồ Thị Xuân nuôi 10 con/lứa... Đến vụ gieo trồng, dù vẫn phải có cán bộ xã phối hợp với bộ đội biên phòng hướng dẫn cách bắc mạ, gieo sạ nhưng người Chứt đã tự túc lương thực được 3 - 4 tháng ăn trong năm.

Thiếu tá Thiên cho biết: “Để thực hiện tốt Đề án 2571 của UBND tỉnh, ngay từ khi có chủ trương tách hộ, giãn hộ cho đồng bào dân tộc Chứt ra bản mới giúp bà con phát triển kinh tế - xã hội, BĐBP đã cùng bà con tham gia trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đồng thời sau khi tách hộ dân thì cán bộ chiến sĩ BĐBP, đặc biệt là Tổ Biên phòng bản Rào Tre cũng đã bám nắm địa bàn, tiếp tục giúp đỡ đồng bào Chứt ra khu ở mới ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”.

Cuộc sống của người Chứt đã bắt đầu ổn định, họ như cái cây đã bắt đầu bén rễ, đâm chồi nảy lộc. Bên những ngôi nhà sàn kiên cố tại bản tái định cư, các hộ đều phấn khởi chuẩn bị đón chào xuân ấm trong ngôi nhà mới với niềm vui, hạnh phúc đong đầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ