Những lựa chọn có thể
Cựu chiến binh Lực lượng vũ trang Thụy Điển, đồng thời là nhà quan sát chính trị và quân sự Mikael Valtersson cho Sputnik biết, Moscow có nhiều lựa chọn để đáp trả quyết định triển khai tên lửa hành trình tấn công Tomahawk, tên lửa SM-6 và tên lửa siêu thanh của Mỹ tại Đức.
"Động thái này của Mỹ và Đức tất nhiên sẽ vấp phải phản ứng của Nga", Valtersson nói, đồng thời cho biết ông tin rằng Nga có thể bắt đầu bằng cách triển khai các tên lửa lưỡng dụng mới ở khu vực Kaliningrad và có thể là ở Belarus.
Theo nhà quan sát, điều này có thể được tiếp nối bằng việc bố trí các tên lửa chiến lược của Nga tại các quân khu Moscow và Leningrad mới được tái lập.
"Bằng cách này, Nga sẽ rút ngắn thời gian NATO phát hiện và ứng phó với một vụ phóng tên lửa tầm trung của Nga", chuyên gia Valtersson nói.
Valtersson tin rằng: "Các lựa chọn khác là triển khai tên lửa mới ở Viễn Đông và biến Alaska và có thể là cả bờ biển phía tây của Mỹ thành mục tiêu cho tên lửa tầm trung của Nga".
Một khả năng khác bao gồm triển khai tên lửa tầm trung ở phía nam châu Âu...và gần Mỹ, nếu có thể đạt được thỏa thuận với một hoặc nhiều đồng minh truyền thống của Nga ở Bắc Phi hoặc lưu vực Caribe.
Một bước đi "rõ ràng" nữa có thể xảy ra đối với Moscow là "biến Đức thành mục tiêu quan trọng hơn nhiều đối với tên lửa Nga trong tương lai", nhà quan sát quốc phòng Thụy Điển cho biết.
Nhà quan sát này đồng thời chỉ ra rằng đây là một thực tế mà một số đảng phái Đức đã nêu ra khi họ lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ.
Ví dụ, Valtersson lưu ý rằng trong khi Đảng Dân chủ Xã hội Đức cầm quyền và đảng đối lập chính thống Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch tên lửa của Mỹ, thì đảng cánh hữu dân túy Alternative for Germany, đảng cánh tả dân túy Sarah Wagenknecht Alliance và đảng cánh tả tự do hơn Linke đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết.
Học giả Valtersson cảnh báo, bất kể Nga làm gì, một rủi ro lớn xuất phát từ động thái của Mỹ và phản ứng tiếp theo của Nga sẽ phát sinh từ việc rút ngắn thời gian bay của các tên lửa tầm trung được đặt gần biên giới của nhau, làm gia tăng căng thẳng, cũng như rủi ro khi cả hai bên đưa ra "quyết định vội vàng".
Euromissile mới
Trong cuộc khủng hoảng Euromissile ban đầu vào những năm 1980, việc triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Pershing II của Mỹ ở Tây Âu đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi với sự tham gia của hàng triệu người, và đặt lực lượng chiến lược của Liên Xô vào tình trạng báo động cao, gần như đứng trước một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuần qua, Nhà Trắng đã chính thức công bố kế hoạch triển khai tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa mới, tên lửa siêu thanh chưa xác định và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa SM-6, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh báo rằng Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ứng phó với mối đe dọa này kịp thời.
Các loại vũ khí của Mỹ dự kiến được triển khai tới Đức và những loại do Nga phát triển để đáp trả đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 - một thỏa thuận được thiết kế riêng để giảm thiểu rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu.
Mỹ đã rời khỏi thỏa thuận vào năm 2019 và đã thực hiện một loạt các bước đi được coi là khiêu khích khác trong năm năm kể từ đó, từ việc mở rộng NATO hơn nữa về phía biên giới Nga, đến cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga ở Ukraine và làm việc theo sáng kiến Tấn công nhanh thông thường của Lầu Năm Góc nhằm vào Nga.
Sáng kiến tấn công nhanh toàn cầu là các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình thông thường và tên lửa siêu thanh hàng loạt được thiết kế để loại bỏ giới lãnh đạo Nga và tước bỏ tiềm năng hạt nhân của Moscow.
"Nếu Mỹ quyết thực hiện kế hoạch Euromissile như tuyên bố, một số lựa chọn thích hợp của Nga để đáp trả chắc chắn sẽ được đưa ra", học giả Valtersson nhấn mạnh.