Người giữ hồn trống trận Tây Sơn

GD&TĐ - Trống trận Tây Sơn (còn có những tên gọi khác như trống trận Quang Trung hay nhạc võ Tây Sơn) - một biểu tượng văn hóa của Bình Định đã được hậu duệ nhà Nguyễn đất Tây Sơn - nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thuận (SN 1960, ở khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) truyền giữ thành công.

Người giữ hồn trống trận Tây Sơn

Có thể nói, chị là người phả được hồn thiêng sông núi, hào khí thần tốc vào từng thanh âm khi réo rắt, khi hoan ca của dàn trống trận Tây Sơn.

Học trống từ vỏ lon bò sữa

Cha chị Thuận là cụ Nguyễn Đào, là thành viên trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ - nơi thờ Tây Sơn tam kiệt. Thời ấy, cụ Đào là người duy nhất đánh được trống trận Tây Sơn trong các lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào mùng 5 tháng Giêng và rằm tháng 11 âm lịch. Khi lên 6 tuổi, ngoài việc học chữ ở làng, cô bé Thuận bắt đầu thích thú với tiếng trống trận sau mỗi lần nghe cha đánh nên thầm lặng đi tìm vỏ lon sữa bò, tập tành làm theo với đôi đũa tre, gõ leng keng suốt ngày.

Nhận thấy con gái có năng khiếu, cụ Đào bắt đầu cho con làm quen với dàn trống trận và truyền dạy bằng tất cả tâm huyết, với mong muốn tiếng trống thể hiện hào khí Tây Sơn không bị thất truyền. Đến năm 10 tuổi, cô bé Thuận đã có thể diễn tấu trống trận. Và những âm thanh hùng tráng, thúc giục lòng người này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chị.

Năm 1976, khi chị Thuận mới 16 tuổi, cụ Đào qua đời. Từ đó, chị được các vị trong ban nghi lễ của đền Kiên Mỹ và dân làng tín nhiệm, kế tục vị trí của người cha. Một năm sau, chị là người duy nhất biểu diễn trống trận Tây Sơn tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bình Định và được chọn đi thi Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại tỉnh Khánh Hòa. Năm 1979, sau khi Bảo tàng Quang Trung thành lập, cùng với việc sưu tầm các hiện vật lịch sử của nhà Tây Sơn nằm rải rác ở các địa phương trong nước, nhạc võ Tây Sơn được phục dựng, chị bắt đầu về đây làm việc từ đó cho đến nay.

Điệu hồn trống trận

Chị Thuận cho biết, một bài trống trận Tây Sơn bao gồm 3 hồi: Xuất quân, Hãm thành, Khải hoàn. Khi hành quân, là lúc tiếng trống khoan thai hay dồn dập. Lúc vây hãm quân thù, là lúc tiếng trống thể hiện khí thế chiến đấu thần tốc, hùng dũng và ác liệt, làm người xem tưởng như có súng nổ, gươm khua, ngựa hí, tiếng binh khí chạm vào nhau. Và khi đoàn quân chiến thắng ca khúc khải hoàn, là lúc tiếng trống trở nên sôi nổi, vui tươi; và cả sự trầm lắng tưởng niệm vong hồn tử sĩ trước khi những thanh âm reo vui, rộn rã trong khúc khải hoàn ca chan hòa muôn phương.

Trống trận Tây Sơn không chỉ là hiệu lệnh, là lời động viên, cổ vũ ba quân, mà còn là những đòn thế tâm công xoáy sâu, đánh thẳng vào tâm lý của quân thù, góp phần làm nên thắng lợi. Nó hàm chứa nhiều đòn thế võ thuật siêu đẳng. Khi xưa, người đánh trống trận cũng phải tự chiến đấu để vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ tiếng trống, tín hiệu giữ nhịp trận đánh không bị ngắt quãng. Chính vì lẽ đó mà đôi dùi trống, động tác đánh trống, bộ pháp di chuyển cũng là một nghệ thuật tự vệ. Khi đánh trống trận, người đánh di chuyển hết sức linh hoạt, bất cứ bộ phận nào của thân thể cũng có thể sử dụng để đối địch.

Khi biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, ngoài đôi tay truyền lực, người đánh trống trận phải di chuyển cả đôi chân theo nguyên tắc “túc bất ly địa” để đánh 12 trống đúng theo nhịp của bài võ. Người đánh trống đánh cả hai tay và cùi chỏ, cùng hai dùi trống dài khoảng 30cm đánh cả hai đầu. Đưa hai tay lên múa là có thể đánh cả 4 mặt trống hay tang trống cùng một lúc. Vào một bài trống, nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập, khi hào hùng phấn chấn. Và đặc biệt người đánh trống vừa đánh vừa di chuyển, chứ không ngồi một chỗ như nhạc công tấu nhạc.

Để đánh được cùng lúc 12 trống, nghệ nhân phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi triển thân pháp, bộ pháp, nhãn pháp nhanh nhẹn, uyển chuyển như một vũ công thực thụ. Đặc biệt, đôi tay cầm dùi trống như múa trên mặt trống với những kỹ thuật ve, vỗ, bịt đến mức điêu luyện mới có thể tạo nên những giai điệu âm vang hào khí một thời.

Bây giờ, chỉ cần có đoàn khách tham quan ở Bảo tàng Quang Trung, chị Thuận với hai bàn tay cầm dùi tung tẩy sẽ lướt trên 12 mặt trống lớn nhỏ cùng những âm thanh phát ra như một bài ca chiến trận. Trong đó, có tiếng vó ngựa, bước chân rầm rập của đoàn quân, tiếng gươm đao xông trận và khúc khải hoàn...

Ông Châu Kinh Tú - Giám đốc Bảo tàng Quang Trung - cho biết: “Trống trận Tây Sơn như một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc dựa trên nền âm cổ truyền hò, xang, xế... Thể hiện được điệu hồn của trống trận Tây Sơn là điều cực kỳ khó, không phải ai cũng làm được. Đã có nhiều người biểu diễn trống trận Tây Sơn nhưng hiện nay, nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận - đời thứ 9 trong gia đình có truyền thống đánh trống trận là người phả được hồn thiêng sông núi, hào khí thần tốc vào từng thanh âm khi réo rắt, khi hoan ca của dàn trống trận Tây Sơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.