Tàu không người lái tự sát trên Biển Đen đã im tiếng

GD&TĐ - Theo Reuters, Hải quân Nga đã xây dựng phòng thủ nhiều lớp chống lại mối nguy hiểm từ xuồng không người lái tự sát của Ukraine trên Biển Đen.

Một chiếc USV Ukraine dạt vào bờ biển Sevastopol.
Một chiếc USV Ukraine dạt vào bờ biển Sevastopol.

Biện pháp đối phó

Hải quân Nga nhận thức được mối đe dọa từ xuồng tự sát không người lái (USV) Ukraine sau khi hứng chịu một số thiệt hại nhất định và đã xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp ở Biển Đen để ứng phó.

Đầu tiên là lớp phòng thủ với hàng rào chướng ngại vật bên ngoài lối vào các quân cảng và cầu Crimea, như lưới chống tàu ngầm, phao nổi và xà lan.

Nga cũng lắp đặt súng máy và triển khai tàu tuần tra xung quanh các khu vực này.

"Tuyến phòng thủ này có thể đem lại hiệu quả tương đối trong việc ngăn chặn xuồng không người lái của Ukraine", chuyên gia phân tích về hải quân H. I.Sutton nhận xét.

Lớp phòng thủ thứ 2 là mối đe dọa với USV Ukraine là máy bay tuần tra Nga như Beriev Be-12. Radar của phi cơ này được thiết kế để phát hiện các vật thể nhỏ như kính tiềm vọng của tàu ngầm, nên thích hợp để săn tìm phương tiện có kích thước tương tự USV.

Khi phát hiện USV, Be-12 sẽ phát cảnh báo cho lực lượng Nga trên đất liền để điều trực thăng Mi-8 và Ka-27 ra đánh chặn. Các phi cơ này được trang bị rocket và súng máy để đối phó xuồng không người lái của Ukraine.

"USV của Kiev hiện nay không có cách nào để chống lại hỏa lực từ trực thăng Nga, ngoại trừ việc tận dụng tốc độ và khả năng cơ động sẵn có để né tránh. Moskva cũng điều tiêm kích Su-27 trực chiến ở Biển Đen làm nhiệm vụ đánh chặn USV nhưng chưa rõ hiệu quả", Sutton cho biết thêm.

Lớp phòng thủ tiếp theo là tác chiến điện tử (EW). Nga đã lắp đặt thiết bị gây nhiễu lên tàu chiến và cơ sở trên bờ, phát ra sóng điện từ làm gián đoạn kết nối giữa USV và tổ vận hành của đối phương. Phương pháp này đã gây ra một số tổn thất cho Ukraine.

Trong khi đó, tàu hàng lớn của Nga hiện được hộ tống bởi tàu tuần tra và khu trục hạm khi đi qua Biển Đen. Các con tàu này tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) nhằm tránh bị theo dõi lộ trình, giảm nguy cơ bị USV tấn công.

Cùng với đó, Nga được cho là đang thử nghiệm dùng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) để đánh chặn USV. Trên mạng xã hội tuần trước xuất hiện video Nga triển khai UAV FPV từ tàu tuần tra để tập kích mục tiêu giả trên biển. Nhưng USV Ukraine có khả năng cơ động cao, nên chưa rõ hiệu quả của phương pháp này.

Nhà máy chế tạo Kingisepp (KMZ) của Nga vừa thông báo chuẩn bị bàn giao loạt xuồng không người lái kiểu Vizir cho Hải quân Nga và chúng sẽ được sử dụng trong chiến dịch trên Biển Đen.

Đây là mẫu xuồng đa năng, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như tuần tra, tấn công, vận chuyển binh sĩ và hàng hóa, khảo sát thủy văn. Nó cũng có thể được lắp khối nổ hàng trăm kg và trở thành xuồng tự sát trong trường hợp cần thiết.

Chuyên gia Sutton cho rằng mẫu tàu này có thể được dùng làm vũ khí chống USV của Ukraine trên Biển Đen.

Thiệt hại

Trước khi Nga thực hiện hàng loạt biện pháp đối phó với USV, Ukraine thường xuyên tập kích các mục tiêu của Nga ở khu vực bán đảo Crimea bằng USV, bên cạnh thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

Các xuồng này có kích thước nhỏ, được điều khiển từ xa, trang bị bom hoặc khối thuốc nổ lớn để tấn công mục tiêu. Chúng có khả năng cơ động linh hoạt trên biển và rất khó phát hiện bằng radar. Khi tập kích vào đêm tối, USV gần như "vô hình" với các thủy thủ canh gác trên tàu chiến.

Chúng cũng có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với chiến hạm Nga, nhưng có thể gây thiệt hại lớn nếu tập kích thành công, nên được coi là vũ khí "phi đối xứng" hiệu quả để tấn công khí tài Nga ở Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng thông báo đã dùng USV để tập kích hai tàu đổ bộ cỡ nhỏ thuộc Hạm đội Biển Đen ở bán đảo Crimea, khiến chúng chìm xuống biển. Hồi tháng 7, Kiev cũng đã dùng xuồng tự sát để tấn công cầu Crimea, khiến một nhịp cầu bị hư hại nặng.

Clip FPV Nga diệt thành công mục tiêu trong thử nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ