Tất cả vì kỳ thi an toàn, nghiêm túc

Trong ba ngày 2, 3 và 4/6, thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với nhiều đổi mới, nhất là công tác tổ chức và ra đề thi. 

Tất cả vì kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Tất cả vì kỳ thi an toàn, nghiêm túc ảnh 1Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói về những vấn đề đặt ra của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sắp diễn ra với nhiều điểm đổi mới. Ngành GD và ÐT đã có những chuẩn bị gì cho kỳ thi?

- Những đổi mới chủ yếu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chính là việc giảm số môn thi từ 6 môn như trước đây xuống còn 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn (trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý, Ngoại ngữ).

Ngoài ra, Bộ GD và ÐT cũng điều chỉnh tổ chức thi trong 2,5 ngày, trong đó có 2 buổi dành cho 2 môn bắt buộc; còn lại mỗi buổi đều có 2 ca thi (cho 2 môn tự chọn). Ðề thi vẫn có câu hỏi phân hóa, có câu khó, câu dễ và ngay ở một câu cũng có thể có phân hóa về mức độ đạt được.

Mặt khác, Bộ GD và ÐT cũng chủ trương tăng tính mở của đề thi, nhất là môn Ngữ văn; thêm phần viết luận môn Ngoại ngữ; cách thức công nhận tốt nghiệp và đối tượng được miễn thi được điều chỉnh bổ sung...

Ðến nay, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất. Bộ GD và ÐT có hướng dẫn ôn thi, hướng dẫn tổ chức thi, các hướng dẫn nghiệp vụ và tập huấn cho các địa phương đầy đủ. Công tác ra đề, in sao được triển khai đúng quy định.

Mặt khác, Bộ GD và ÐT cũng có công văn gửi lãnh đạo các địa phương và một số ngành liên quan về việc phối hợp chỉ đạo, bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc. 

Qua kiểm tra công tác thi ở một số địa phương thấy rằng, có sự chuẩn bị chu đáo từ hướng dẫn học sinh ôn tập, học tập quy chế, đến chuẩn bị các phương án thi đổi mới...

Việc tổ chức hai ca thi trong một buổi có thể gây rắc rối cho quá trình tổ chức của các Hội đồng Coi thi. Bộ GD và ÐT xử lý vấn đề này như thế nào?

- Việc thi hai ca trong một buổi đã được Bộ GD và ÐT tính toán khá kỹ lưỡng. Trong đó, khoảng thời gian nghỉ giữa hai ca thi kéo dài 70 phút sẽ bảo đảm đủ thời gian chuẩn bị tốt cho ca thi thứ hai. 

Về biện pháp mang tính kỹ thuật, quá trình sắp xếp thứ tự các môn thi, Bộ GD và ÐT chú trọng đến việc bố trí ca thi thứ hai là những môn có ít học sinh dự thi.

Mặt khác, để làm tốt hai ca thi trong một buổi cũng phụ thuộc nhiều vào các địa phương, vì mỗi nơi có những đặc thù riêng, có những cách bố trí hợp lý khác nhau. Ðể tạo điều kiện thuận lợi, Bộ GD và ÐT không quy định chi tiết cụ thể.

Việc bố trí học sinh đến, đón học sinh, quản học sinh từng ca thi ra, vào như thế nào không lộn xộn là tùy từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà trường thực hiện một cách linh hoạt.

Qua kiểm tra, một số địa phương đã đưa ra những phương án bảo đảm điều kiện cho tổ chức thi hai ca trong một buổi như tại Hà Nội, dự kiến bố trí tập trung thí sinh trước khi vào thi ở các trường tiểu học hay THCS liền kề hoặc bố trí một khu vực cho các thí sinh tập trung, có người quản lý, tránh ảnh hưởng đến ca thi cùng buổi...

Vì vậy, việc tổ chức hai ca thi trong một buổi vẫn bảo đảm không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến việc tổ chức cũng như làm bài thi của thí sinh.

Ðề thi, nhất là môn Ngữ văn, Ngoại ngữ năm nay được Bộ GD và ÐT xác định có nhiều đổi mới, thu hút sự quan tâm của thí sinh. Ðồng chí có thể cho biết, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD và ÐT?

Năm nay, Bộ GD và ÐT chủ trương đáp án chấm sẽ khoa học, không bắt buộc đủ bao nhiêu ý mà tính đến bài viết có được thông điệp, cách sắp xếp nội dung, cách diễn đạt, tóm lược vấn đề... như thế nào. Vì vậy, thông điệp truyền đạt trong bài viết phải có ý nghĩa chứ không phải "đếm ý ăn điểm.

- Ðiểm mới của đề thi năm nay là hướng đến đánh giá năng lực học sinh một cách chuẩn xác hơn. 

Thí dụ, môn Ngữ văn, đề nghị luận ra theo hướng mở đã được triển khai trong những năm gần đây nhưng đáp án vẫn xác định bài làm của thí sinh phải đủ các ý để cho điểm.

Cách triển khai thông tin phải có giá trị cả về mặt nội dung, thẩm mỹ. Thông qua thông tin đó cũng thể hiện năng lực sử dụng tiếng Việt của thí sinh...

Ðối với môn Ngoại ngữ, đề thi hướng đến việc kiểm tra đồng đều các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với mục tiêu đánh giá được việc sử dụng ngoại ngữ như thế nào. Cho nên, đề thi có thêm phần viết luận để đánh giá năng lực học sinh.

Ngay trong quá trình dạy học, Bộ GD và ÐT đã hướng dẫn dạy theo phương pháp phát triển đồng đều các kỹ năng cho học sinh. Ðề thi thêm phần viết luận, học sinh có thể cảm thấy khó hơn nhưng đó là việc phải làm để đánh giá năng lực, kỹ năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, do là năm đầu có phần viết luận cho nên sẽ khá dễ chứ không đánh đố.

Nói chung, đề thi năm nay sẽ có phần yêu cầu cao nhưng lại dễ có điểm. Cao ở chỗ đòi hỏi học sinh phải có năng lực thật, nhưng lại dễ vì tránh được áp lực phải học thuộc lòng. 

Bộ GD và ÐT xác định thi phải tạo ra áp lực cho học sinh nhưng áp lực để kích thích học sinh phấn đấu chứ không phải là áp lực quá tải.

Mặc dù các quy chế, quy định về thi tốt nghiệp THPT khá chặt chẽ nhưng những năm trước đây tình trạng tiêu cực đôi khi vẫn xảy ra. Ðể bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đồng chí có lưu ý gì cho các giáo viên, học sinh trước khi bước vào kỳ thi?

- Ðiều quan trọng đối với mỗi thí sinh dự thi cần thực hiện đúng quy chế, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay so những năm trước là hướng tới sự phân hóa phù hợp năng lực, góp phần lựa chọn, định hướng sau THPT cho học sinh.

Vì vậy, quá trình làm bài, các em cần bình tĩnh, tự tin vì những học sinh trung bình, cố gắng là có thể tốt nghiệp được. Ðể làm bài tốt, học sinh cần chú ý phân tích, hiểu bản chất vấn đề chứ không nên dựa vào học thuộc lòng.

Mặt khác, tổ chức thi nghiêm túc cũng cần sự chăm lo chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện an ninh, an toàn; chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm an toàn giao thông... từ phía các địa phương, nhà trường.

Ngoài ra, cần coi trọng việc phổ biến quy chế thi cho giáo viên, học sinh trước khi thi chứ không phải chờ đến buổi thi mới phổ biến. Trong quá trình tổ chức thi, nếu xảy ra vi phạm cần xử lý nghiêm túc, kịp thời, nhất là trách nhiệm của những người coi thi, chấm thi, trách nhiệm của hội đồng coi thi.

Quan điểm của Bộ GD và ÐT là thực hiện nghiêm túc quy chế nhưng điều quan trọng là ngăn chặn, hạn chế những vi phạm xảy ra nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả tốt.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nhiều người bị thiếu ngủ kinh niên do thức quá khuya. (Ảnh: ITN)

Mắc bệnh tim vì thiếu ngủ?

GD&TĐ - Thường xuyên ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm có thể làm trầm trọng thêm huyết áp, lượng đường trong máu và các nguy cơ khác liên quan đến tim.