Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm khí thải do giao thông ở TP HCM đáng báo động khi nhiều chỉ tiêu quan trắc vượt quy chuẩn, trong đó tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng nhất

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường

Ngày 14-9, UBND TP HCM đã tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP báo cáo các nguồn ô nhiễm môi trường chính trên địa bàn TP là ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm mặt nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm do chất thải rắn.

Nhiều nguồn gây ô nhiễm

Theo Sở TN-MT TP, hiện TP có 15 KCX - KCN và 1 khu công nghệ cao đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, có 3.370 cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ phát sinh lượng nước thải trên 10 m3. Mỗi ngày, TP sử dụng 2,8 triệu m3 nhưng mới chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 141.000 m3 và một hồ sinh học công suất 30.000 m3/ngày.

Nguồn nước mặt ở các kênh rạch nội thành đang bị ô nhiễm với mức độ cao do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa được xử lý xả ra các kênh nội thành. Mặt khác, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và chưa tách riêng hệ thống thoát nước thải và thoát nước mưa; sự gia tăng dân số và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ở khu vực ngoại thành, một số tuyến kênh như rạch Bình Thọ, Suối Nhum - Xuân Trường - Suối Cái, kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai - An Hạ cũng là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

“Chính nguồn nước thải sinh hoạt chưa được xử lý là nguyên nhân lớn góp phần gây ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn TP” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, đánh giá. Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung nhằm giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm nước của TP. Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP thì đến năm 2020, TP mới chỉ có 7 nhà máy với tổng công suất 2,4 triệu m3/ngày.

Tap trung xu ly o nhiem moi truong - Anh 1

Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trên địa bàn TP hiện có 2 khu xử lý rác thải là Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (5.400 tấn/ngày) và Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Theo bà Mỹ, một số bãi rác dù không còn tiếp nhận rác nhưng do chưa phủ đỉnh làm nước rỉ rác vẫn phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mặc dù lượng rác phát sinh tăng nhanh nhưng các trạm trung chuyển rác vẫn còn thiếu và hoạt động không đạt yêu cầu.

Trong tổng số 31 trạm trung chuyển rác, chỉ có 5 trạm đạt chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo đang hoạt động và 13 trạm khác hoạt động tạm. Hiện người dân vẫn còn phản ánh về mùi hôi, tiếng ồn ở các trạm trung chuyển rác, các bãi chôn lấp chất thải, trong đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước bị phản ánh mùi hôi nhiều từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm.

Đặc biệt, Sở TN-MT TP đánh giá ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp hiện nay không đáng kể nhưng ô nhiễm khí thải do giao thông lại đáng báo động khi nhiều chỉ tiêu quan trắc vượt quy chuẩn, trong đó tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Xử lý triệt để

Theo bà Mỹ, trong thời gian tới, Sở TN-MT TP sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các nguồn thải công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý, buộc những nguồn thải này phải hoàn thành xây dựng trong quý I/2017, bảo đảm đến năm 2020 toàn bộ nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn khi thải ra môi trường. Bên cạnh việc duy trì hệ thống quan trắc tự động ở 16 KCN-KCX, sở cũng triển khai lắp đặt các trạm quan trắc tự động đối với các nguồn thải có lưu lượng trên 1.000 m3/ngày. Đối với chôn lấp chất thải rắn, cần triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước rỉ rác sau xử lý và chất lượng nước xung quanh. “Sở TN-MT yêu cầu các đơn vị xử lý chất thải tăng cường phun xịt chế phẩm khử mùi, xử lý nước rỉ rác, che phủ bạt các hồ chứa nước rỉ rác, rửa xe vận chuyển khi ra khỏi công trường...” - bà Mỹ cho biết.

Bà Mỹ cũng đề nghị TP tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển kín, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn của TP, triển khai hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, kêu gọi công nghệ xử lý phù hợp với thực tiễn...

Kết luận cuộc họp nói trên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý các khu xử lý chất thải cần chú ý đến công tác trồng cây xanh cách ly, tính toán thời điểm tiếp nhận rác theo mùa để có giải pháp hạn chế mùi hôi phát sinh; đồng thời, phun xịt chế phẩm khử mùi tại các bãi chôn lấp rác phải phù hợp với điều kiện thời tiết, phải tính toán lượng phun giữa mùa mưa với mùa khô. Về việc phân loại rác tại nguồn, ông Phong yêu cầu Sở TN-MT cần đưa ra giải pháp cụ thể, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Tuần sau sẽ biết mùi hôi do đâu

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, cho biết đầu tuần sau, UBND TP sẽ thông qua báo cáo của Sở TN-MT về tình hình ô nhiễm mùi hôi phát sinh ở khu Nam Sài Gòn.

“Sau khi gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP sẽ thông tin chính thức đến báo chí, người dân nội dung cũng như giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến người dân khu Nam Sài Gòn. Hiện nay, mùi hôi ở khu vực này đã giảm” - ông Thắng nói.

Trường Hoàng

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.