Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra giáo dục

GD&TĐ - Trong năm học 2018 - 2019, cần tiếp tục tăng cường tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại.

Công tác thanh tra góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường
Công tác thanh tra góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động thanh tra

Công tác thanh tra giáo dục năm học 2018 - 2019 được triển khai trong bối cảnh như thế nào, thưa ông?

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng: Năm học này, toàn ngành tập trung tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng, trong đó có việc chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta đã biết, Nghị quyết 29 đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đổi mới quản lý giáo dục là một trong 2 giải pháp then chốt. Những năm gần đây, quản lý giáo dục đã có những bước chuyển theo hướng tăng cường phân cấp, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở. Vì vậy, công tác thanh tra kiểm tra của cơ quan Nhà nước cũng cần chuyển biến đồng điệu với quỹ đạo đổi mới chung.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục, hệ thống thanh tra giáo dục đã chuyển hẳn từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý với nhiều kết quả tích cực song cũng còn nhiều vấn đề cụ thể cần tổng kết để triển khai tốt hơn. Hoạt động thanh tra 2017 - 2018 cũng cho chúng ta nhiều bài học tốt.

- Ông có thể cho biết, nhiệm vụ chung của công tác thanh tra năm học này là gì?

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng: Hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra của Bộ đã nêu rõ, đó là: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục. Tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, việc thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề dân chủ trong nhà trường, hoạt động liên kết đào tạo, văn bằng chứng chỉ, công tác thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm, an toàn trường học, đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên và giáo viên.

Triển khai mạnh mẽ Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đến năm 2020”; tăng cường phối hợp các lực lượng thanh tra, kiểm tra; tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nói một cách khái quát là: Trong năm học 2018 - 2019, cần tiếp tục tăng cường tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng

Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; kiện toàn đội ngũ làm công tác thanh tra

- Vậy, chúng ta cần triển khai những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng: Tại Công văn số 3767/BGDDT-Thtr ngày 22/8/2018 đã nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tôi xin được nhấn mạnh một số điểm sau:

Một là, cần tổ chức quán triệt các văn bản mới, đối chiếu với thực tiễn giáo dục ở địa phương để chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục thống nhất trong toàn ngành. Thanh tra Sở cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kiểm tra của các Phòng GD&ĐT, công tác kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục trên địa bàn; chỉ đạo các Phòng GD&ĐT thực hiện kiểm tra công tác quản lý của hiệu trưởng, không thanh tra xếp loại giáo viên, không làm thay việc của hiệu trưởng.

Việc kiểm tra cần linh hoạt, tập trung vào các vấn đề mới, khó, vấn đề dễ phát sinh tiêu cực để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường tự kiểm tra, phối hợp tốt giữa kiểm tra của hiệu trưởng với hoạt động của ban thanh tra nhân dân.

Hai là, kiện toàn đội ngũ cán bộ thanh tra và cộng tác viên thanh tra.

Cần rà soát vị trí việc làm để bố trí đủ cán bộ thanh tra, bổ nhiệm chức danh thanh tra, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ này. Cần hết sức tránh xu hướng ghép tổ chức, giảm biên chế một cách máy móc, bởi tổ chức và hoạt động thanh tra bên cạnh việc triển khai theo quy định chung còn phải tuân thủ Luật Thanh tra với những đặc điểm chỉ tổ chức thanh tra và cán bộ thanh tra mới có quyền thực hiện (ví dụ: Quyết định thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính…).

Do lực lượng thanh tra chuyên trách còn ít nên cần kiện toàn đội ngũ cộng tác viên thanh tra theo cấp học, chú trọng cộng tác viên thanh tra là cán bộ quản lý, tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo quy định.

Ba là, xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra trọng tâm, trọng điểm. Tập trung thanh tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị; thanh tra việc thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm của ngành; thanh tra hoạt động liên kết đào tạo; thanh tra công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; thanh tra công tác tổ chức các kỳ thi tuyển sinh, thi THPT quốc gia, thi và cấp chứng chỉ; thanh tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, việc xét chuyển xếp hạng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức ngành Giáo dục; thanh tra việc thực hiện quy định về chống bạo lực học đường; thanh tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và mộ số nội dung khác.

Cần phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Sở, các Phòng GD&ĐT, tích hợp nhiều nội dung kiểm tra tại một đơn vị tránh chồng chéo về nội dung, đối tượng kiểm tra; tránh thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong một năm học đối với một đơn vị.

Bốn là tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Thanh tra Sở GD&ĐT cần chủ động phối hợp với thanh tra tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra; tham gia hoạt động thanh tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn do thanh tra tỉnh chủ trì và trưng tập; phối hợp xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời qua đường dây nóng, qua mạng lưới cộng tác viên.

Triển khai sử dụng phần mềm quản lý thanh tra giáo dục thống nhất từ Bộ đến Sở, Phòng. Bố trí kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng. Rút kinh nghiệm sâu sắc việc tổ chức thanh tra thi THPT quốc gia năm vừa qua, từ đó đề ra giải pháp phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra thi năm tới, không để hổng khâu nào, góp phần bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, chất lượng

Thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ, phụ cấp, thâm niên, trang phục, chế độ tiếp dân, xử lý đơn thư… cho công chức thanh tra, CTVTTGD. Thực hiện nghiêm túc các chế độ thông tin báo cáo.

Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai kiểm tra công tác ôn thi và điều kiện cơ sở vật chất tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Biên Hòa)
Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai kiểm tra công tác ôn thi và điều kiện cơ sở vật chất tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Biên Hòa)

Kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực

- Dường như cứ vào dịp đầu năm học, trong ngành lại xuất hiện cái gọi là “những vấn đề nóng” như lạm thu, dạy thêm học thêm. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng: Nhìn chung các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo rất nhiệt huyết, nghiêm túc thực hiện các quy chế, quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tại một số nơi vẫn còn biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc và thường “rộ lên” vào dịp đầu năm học như tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm hoặc hiện tượng xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học… Những vấn đề này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 63/2018/QH14 của Quốc hội.

Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, thể hiện đậm nét trong Chỉ thị năm học mới, Hướng dẫn công tác thanh tra và một số văn bản ngay trước khi bước vào năm học. Các Sở GD&ĐT cần nghiêm túc triển khai coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra năm học, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm học.

Cần có kế hoạch cụ thể để kịp thời phát hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, tăng cường việc xử phạt hành chính theo thẩm quyền và thông tin rộng rãi để rút kinh nghiệm chung. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào tình hình triển khai và kết quả thực hiện của các Sở GD&ĐT để đánh giá thi đua năm học. Bộ cũng sẽ tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh đối với hành vi cố ý vi phạm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vị trí, chức năng, tổ chức của Thanh tra Sở

1. Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Giáo dục và Đào tạo, giúp Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Giám đốc Sở) tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành Giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Sở có con dấu và tài khoản riêng.

2. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Chánh Thanh tra Sở) do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở.

3. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về thanh tra chuyên ngành Giáo dục của Thanh tra Bộ.

(Điều 8 - Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục).

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ