(GD&TĐ)-Bốn mặt hàng sẽ bị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát trong thời gian tới là: rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Rượu là một trong 4 mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu (ảnh MH) |
Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đề nghị các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố cùng phối hợp tăng cường hoạt động kiểm tra 4 mặt hàng nói trên.
Đối với khu vực viên giới biển, biên giới đất liền, cửa khẩu, Ban chỉ đạo giao cho lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển đóng tại địa phương bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ trên các cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới, tập trung ngăn chặn không để vận chuyển lậu các mặt hàng trên từ nước ngoài vào nước ta.
Đối với thị trường nội địa, Ban chỉ đạo giao cho lực lượng Quản lý thị trường triển khai công tác quản lý địa bàn; kiểm soát chặt chẽ ở các thành phố, thị xã, các khu trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chuyên bán buôn, bán lẻ các sản phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển, kinh doanh trái phép.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Thanh tra chuyên ngành Y tế, công an xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đó là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu của năm nay. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc ban hành danh mục này cũng như những biện pháp hành chính là chưa đủ, mà đi kèm đó là cần các công cụ quản lý bằng tài chính, thuế quan, kiểm soát chất lượng... Nhưng cao nhất vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt cho vay tiêu dùng, kiểm soát chi tiêu công. Các chuyên gia cho rằng khi dòng tiền được thắt chặt, hàng rào thuế quan và thương mại chặt chẽ thì các biện pháp này sẽ phát huy tác dụng.
Phương Mai