Lợi thế về Công nghệ thông tin
Theo khảo sát của VINASA, có 35,2% cơ quan, đơn vị (ngân hàng, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, cơ quan quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin) cho biết đã sẵn sàng. 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì. Chỉ có 6,1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.
Về thế mạnh của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0, có 3 lợi thế được đưa ra là: Nguồn nhân lực (77,7%); nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%); hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông (59,1%). Để Việt Nam tiếp cận thành công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ý kiến cho rằng, cần tập trung triển khai 3 giải pháp.
Cụ thể, 81,8% nghiêng về tập trung đào tạo nguồn nhân lực; 70% ý kiến cho rằng cần thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế; 53% cho rằng phải thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. 5 ngành, lĩnh vực được nhận định là có lợi thế gồm: 89,9% ý kiến cho rằng đó là lĩnh vực công nghệ thông tin; 47% thuộc về tài chính - ngân hàng; trong khi du lịch là 45,7%; nông nghiệp 44,9%; logistics 28,3%.
Diễn biến của CMCN 4.0 sẽ là những thay thế triệt để nhân công lao động bằng ứng dụng công nghệ và tự động hóa, điều này khiến cho nhiều hình thức lao động truyền thống sẽ mất đi, thay vào đó là những hình thức lao động mới, tiên tiến hơn. Đó chính là kỹ năng số và kỹ năng mềm. Việc ứng dụng này buộc người lao động phải thay đổi, phải học, phải được đào tạo.
Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo - Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản, để thực hiện chuyển đổi số, nên hướng đào tạo lao động để họ làm chủ trong chuyển đổi số và dạy họ kỹ năng tin học, thống kê cơ bản. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo với hai loại đối tượng có trình độ cao là tốt nghiệp đại học và có trình độ về công nghệ thông tin để trước hết, họ biết thích nghi và có kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng xã hội; thứ hai có khả năng phân tích xử lý dữ liệu và thông tin.
Ưu tiên đào tạo, sáng tạo
Nhằm từng bước tiếp cận CMCN 4.0, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay đã có những bước đi cụ thể.
Đối với vấn đề nhân lực số, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội nhằm xây dựng dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.
Cùng với đó, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra những công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh; xem xét, xây dựng và phát triển chính sách nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo và khởi nghiệp trong mỗi người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ĐT, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin bảo đảm chất lượng, trình độ theo kịp các quốc gia trên thế giới.