Tập trung cao độ

GD&TĐ - Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng của quá trình giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Kết quả kỳ thi không chỉ nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong 12 năm học, mà còn là cơ sở để nhìn lại chất lượng dạy - học ở trường phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Tính chất quan trọng và diễn ra trên quy mô toàn quốc với số lượng lớn người tham gia nên công tác tổ chức kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Việc lên phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu để không bị động trong mọi tình huống là yêu cầu bắt buộc làm nên thành công của kỳ thi này.

Về cơ bản, những tình huống lớn có thể phát sinh đã được Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023 bao quát; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan, trong đó có tính đến yếu tố thời tiết, dịch bệnh…

Chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động phương án, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và điều kiện cần thiết khác để tổ chức, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường.

Đồng thời, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân. Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh…

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, trong kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đều tính đến các tình huống bất thường và chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết. Theo đó, địa phương vẫn cẩn trọng chuẩn bị điều kiện phòng chống dịch bệnh; bố trí phòng thi dự phòng.

Những địa bàn đặc thù, đi lại khó khăn lên phương án vận chuyển đề thi, bài thi; chủ động sửa chữa cơ sở vật chất để bảo đảm không bị dột, tạt, hư hỏng khi mưa dông, bão lũ. Nơi đây, việc ăn ở, đi lại của thí sinh cũng được quan tâm đặc biệt.

Theo đó, khuyến cáo thí sinh, người nhà có phương án di chuyển an toàn đến địa điểm thi; thí sinh ở xa được hỗ trợ ăn ở để không bị muộn thi, bỏ thi nếu đường giao thông bị chia cắt; phối hợp với các lực lượng chức năng ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ, không để một em nào không dự thi do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ. Phương án dự phòng các tình huống mất điện đột xuất trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng được tính đến, mà bố trí máy phát điện dự phòng tại điểm thi là một giải pháp…

Chuẩn bị điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có tình huống bất thường, các địa phương đã quen tay, thạo việc từ kinh nghiệm nhiều năm. Bộ GD&ĐT đã thành lập 10 đoàn kiểm tra (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) để kiểm tra trực tiếp công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi của 20 sở GD&ĐT, Hội đồng thi theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tuy nhiên, công việc càng quen thuộc càng không được phép chủ quan. Chưa kể sẽ có những tình huống bất thường chưa được tính trước. Do đó, bình tĩnh và nắm chắc các quy trình, quy định để xử lý vô cùng quan trọng.

Có thể nhắc lại để vận dụng phù hợp các từ khóa được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đưa ra. Đó là: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý những tình huống bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá (3 không); đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời) xử lý những sự cố, tình huống bất thường (4 đúng). Tất cả hướng tới mục tiêu tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ