Tập thể khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN2: Tự tin biến áp lực thành động lực!

GD&TĐ - Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong số tập thể tiêu biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020. Theo PGS.TS Bùi Minh Đức – Trưởng Khoa Ngữ văn, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của khoa chính là sự kế thừa, tiếp nối, không ngừng học hỏi và đổi mới sáng tạo,…

Tập thể giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Tập thể giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Một trong 5 cơ sở đào tạo được phép cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài

Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 được thành lập năm 1975, là một trong những khoa lớn và có truyền thống đào tạo của Trường ĐHSP Hà Nội 2 – một trong 7 trường ĐHSP chủ chốt của Việt Nam. Khoa có 26 PGS và TS; 5 giảng viên cao cấp và 21 giảng viên chính, với 5 bộ môn: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận văn học, Ngôn ngữ, Phương pháp dạy học Ngữ văn.

Theo PGS.TS Bùi Minh Đức – Trưởng Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: “Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của khoa Ngữ văn hôm nay là sự kế thừa, tiếp nối của những thế hệ giảng viên giàu hoài bão vươn lên, không ngừng học hỏi và đổi mới – đổi mới nghiên cứu, đổi mới giảng dạy và đổi mới quản trị. Và những thế hệ sinh viên trẻ trung, khát khao khẳng định mình, không chịu lùi lại phía sau, luôn đồng hành cùng các thầy cô kiến tạo tương lai”.

Trong xu thế hợp tác quốc tế hiện nay, Khoa cũng đã và đang tổ chức giảng dạy tiếng Việt giao tiếp cho các giảng viên và sinh viên  người nước ngoài. Đã có nhiều giảng viên và sinh viên đến từ Hoa Kì, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nam Phi, Camerun, Trung Quốc, Lào,… học Tiếng Việt tại khoa.

Tập thể khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN2: Tự tin biến áp lực thành động lực! ảnh 1

Năm 2019, Trường ĐHSP Hà Nội 2, Khoa Ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý là một trong 5 cơ sở đào tạo được phép cấp chứng chỉ tiếng Việt dành cho người nước ngoài.

Dự kiến trong năm 2020, khoa sẽ hoàn thành Đề án mở ngành đào tạo Tiến sĩ về Khoa học Giáo dục Ngữ văn. Bên cạnh đó, Khoa đã, đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn giáo viên các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Để đạt được những kết quả đó, PGS.TS Bùi Minh Đức khẳng định, đây là sự đoàn kết, thống nhất và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giảng viên và SV trong Khoa theo 4 giá trị mà khoa đã xác định và kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua: Chất lượng – Sáng tạo – Trách nhiệm – Nhân văn, cũng như bám sát các chuẩn mực của tổ chức mà tập thể cán bộ và SV của khoa đã, đang tạo dựng và phát triển: Văn hóa chất lượng – Tổ chức học hỏi – Đổi mới sáng tạo.

Biến áp lực thành động lực cho sự phát triển

Không chỉ chú trọng giảng dạy, giảng viên của khoa còn chủ trì và tham gia hàng trăm đề tài các cấp trong đó đã nghiệm thu Xuất sắc 1 đề tài hợp tác quốc tế song phương, hàng chục đề tài khoa học cấp Bộ và nhiều đề tài khoa học ưu tiên cấp cơ sở.

Cán bộ trong khoa đã tham gia viết bài, tham dự và báo cáo khoa học tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia; xuất bản nhiều chuyên luận, sách tham khảo, giáo trình, tập bài giảng phục vụ cho hoạt động giảng dạy.

PGS.TS Bùi Minh Đức cho biết: “Trước hết, chúng tôi rất vui mừng, không chỉ bởi vì được xét chọn trong danh sách tập thể "những tấm gương điển hình" tại Đại hội Thi đua yêu nước lần này mà còn vui vì đã được đóng góp sức lực của mình vào phong trào thi đua yêu nước của ngành, góp phần kiến tạo môi trường giáo dục tiên tiến, nhân văn, đắp xây những tập thể, cá nhân giàu khát khao cống hiến và có tinh thần phục vụ cộng đồng. 

Nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm và áp lực để xứng đáng với danh hiệu này. Dẫu vậy đây là một áp lực cần thiết cho sự phát triển. Chúng tôi tự tin có thể biến áp lực thành động lực cho những hành động thực tiễn và thành tựu mới sắp tới”.

Sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là cái nôi đào tạo ra những thầy cô giáo trong tương lai. Nhắn nhủ với giảng viên và sinh viên của nhà trường, PGS.TS Bùi Minh Đức nói: “Mong các thầy, cô giáo luôn cháy bỏng tình yêu và tràn đầy niềm tin đối với nghề dạy học, không ngừng tự học để vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, không ngừng đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và NCKH, luôn luôn là tấm gương cao đẹp về trí tuệ và nhân cách cho các thế hệ sinh viên noi theo. 

Đối với sinh viên, trước hết, cần nỗ lực học tập và rèn luyện vì ngày mai là thầy, cô giáo; hãy dấn thân tìm đến những điều mới mẻ để năng lực sáng tạo không bị thui chột, trái lại có thể đơm hoa kết trái, xứng đáng với câu nói mà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành tặng cho Ngành Sư phạm: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo”.

PGS.TS Bùi Minh Đức nhấn mạnh thêm: Là đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, các bạn cần có trách nhiệm lan tỏa tri thức, biến tri thức thành sản phẩm hữu hình để xã hội đẹp hơn và đất nước phát triển hơn. Là công dân toàn cầu, các bạn hãy mở rộng cõi lòng và giang rộng vòng tay để đón nhận và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Một số danh hiệu thi đua tiêu biểu mà Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã được trong thời gian gần đây:

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (QĐ số 2440/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ);

Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo (QĐ số /QĐ-BGD&ĐT ngày  tháng  năm của Bộ GD&ĐT);

Huân Chương Lao động Hạng Ba (QĐ số 1635/QĐ-CTn ngày 19/9/2018 của Chủ tịch nước).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.