Tập thể dục: Đừng chỉ đi bộ

Các bác sĩ khuyên cách tốt nhất để khỏe là hãy vận động thường xuyên và phối hợp nhiều bài tập, đừng chỉ đếm số bước chân!

Tập thể dục: Đừng chỉ đi bộ

Đi bác sĩ (BS) khám cái đầu gối trở chứng, đau cả tuần nay, bà Ng.T.M.A (59 tuổi, ngụ TP HCM) hết sức bất ngờ khi được khuyên bớt đi bộ lại. Trước đó, bà đã quyết siêng tập luyện hơn bằng cách đi bộ vài ngàn bước mỗi ngày, mua thiết bị theo dõi…

Đếm bước chân thôi chưa đủ

Chị Tr.T.T (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM) thì đặt hẹn khám BS dinh dưỡng vì tin rằng cơ chế chuyển hóa của mình có vấn đề. "Tôi dùng ứng dụng di động để đếm bước chân, đi bộ 6.000 bước mỗi ngày, liên tục trong 3 tháng mà vẫn không giảm được chút cân nào, dù ăn rất ít" - chị than thở.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, dành thời gian để đi bộ là rất tốt nhưng nếu tập thể dục chỉ bằng đi bộ thì có thể không đủ hoặc không phù hợp với một số người.

Ví dụ, với người trẻ, dưới 40 tuổi như chị T., làm công việc văn phòng thụ động mà muốn giảm cân, đẹp dáng thì đi bộ thôi chưa đủ. Nếu tập mà thấy không hiệu quả thường là do cách tập chưa chuẩn, chưa đủ hoặc không kiểm soát tốt lượng calo nạp vào. Ta chỉ giảm cân được khi thật sự đốt cháy nhiều calo hơn lượng calo dư thừa mà mình nạp hằng ngày, tức phần calo bạn đã lỡ nạp nhiều hơn số năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống thông thường khác. Nhiều nhân viên văn phòng có thói quen ăn vặt tại bàn. Vì vậy nên bỏ thói quen "hại mình" này và lựa chọn các thực phẩm ít đường, tinh bột nhưng giàu dinh dưỡng hơn cho bữa ăn chính, như thế mới có thể giảm cân.

BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích nếu bạn thực sự muốn thay đổi vóc dáng, giảm cân hay cải thiện sức khỏe, bạn cần kết hợp nhiều bài tập. Bạn không chỉ cần khỏe… 2 chân hay phần thân dưới. Cần tập cả tay, cả chân và các phần cơ thể khác; ngay cả ở người lớn tuổi chỉ cần tập với mục đích dưỡng sinh.

Tập thể dục: Đừng chỉ đi bộ ảnh 1Đi bộ rất tốt cho sức khỏe nhưng hãy đi đúng cách và phối hợp thêm các bài tập khác.

Có những căn bệnh nên bớt đi bộ!

BS Ánh lưu ý trường hợp nhiều người gặp đau đớn khi đi bộ: hãy đi kiểm tra, coi chừng bạn bị thoái hóa khớp gối hay có vấn đề ở một vị trí nào thuộc chi dưới. Còn nếu đã biết mình có bệnh, nên chọn bài tập phù hợp. Ví dụ như người thoái hóa khớp gối nên đi bơi hay đạp xe, như thế phần chi dưới vừa được vận động vừa không phải chịu áp lực do trọng lượng thân người. Cố đi bộ, nhất là khi cơ thể quá cân, chỉ làm cho 2 đầu gối thêm quá tải, bệnh thêm nặng.

Không chỉ đi bộ mà mọi bài tập khác đều cần phù hợp với tình trạng bệnh tật, vì thế tốt nhất nên tham khảo ý kiến BS điều trị nếu bạn có bệnh. "Ví dụ như đang bị thoát vị đĩa đệm mà lại tập một động tác yoga phải uốn mình, tác động ngay vào vị trí thoát vị, sẽ nguy hiểm" - BS Ánh nói. Ông đánh giá việc trao đổi với BS, chuyên viên vật lý trị liệu… còn giúp bạn biết được chính xác những bài tập, môn thể thao mình chọn có thể giúp phục hồi tốt chấn thương hay làm giảm nhẹ tác động của căn bệnh hay không. Riêng các bài tập mang mục đích trị liệu, phục hồi chấn thương, chắc chắn phải tham khảo ý kiến nhân viên y tế.

BS Vui lưu ý thêm với trường hợp thoái hóa khớp gối, ngay cả những cuộc đi dạo thông thường, người bệnh cũng cần lưu ý cách đi: không nên sải bước quá dài, tốc độ không quá nhanh vì như vậy sẽ tạo thêm áp lực lên phần khớp đang bị thoái hóa. Nên đi bộ chậm rãi, mỗi lần đi khoảng 10-15 phút để tạo cơ hội cho khớp nghỉ ngơi. Ngoài ra, những người mắc bệnh về xương khớp, người mới hồi phục sau chấn thương (như giãn dây chằng, bong gân, trật khớp…), bệnh về mạch máu… được BS yêu cầu hạn chế vận động chân, nẹp cố định… thì chắc chắn không nên tập bằng cách đi bộ.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo một nguyên tắc: Hãy vận động, chứ không chỉ là tập luyện. Các nghiên cứu nước ngoài cho thấy nếu bạn ngồi lì một chỗ nhiều giờ, dù sau đó có tập luyện siêng cách mấy thì cũng không bù đắp được những thiệt hại lên hệ tim mạch, tuổi thọ… do việc ngồi lâu gây ra. Tốt nhất với người làm công việc thụ động, mỗi 30 phút hãy đứng lên thư giãn, vận động.

Hãy học đi bộ đúng cách

BS Nguyễn Khắc Vui khuyên rằng nếu lựa chọn môn đi bộ, điều đầu tiên là hãy học cách đi chuẩn. Trong mỗi lần đi, nên bắt đầu đi chậm, nhẹ nhàng trong vài phút đầu, sau đó tăng dần tốc độ, bước dài hơn. Đi bộ là môn cần sức bền, nên hãy đi ở mức vừa phải, không quá nhanh hay quá chậm để không bị mất sức trong suốt quá trình đi mà việc tập luyện vẫn hiệu quả.

Cần chú ý tư thế khi đi bộ, giữ ngực và vai thẳng, thân mình vuông góc với mặt đất, tránh chúi ra phía trước hay ngả ra sau. Thời gian phù hợp nhất để đi bộ là sau khi ăn từ 1-1,5 giờ.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.