Cơ chế hoạt động của môi – răng - lợi
Miệng là bộ phận quan trọng thứ hai sau mắt trên khuôn mặt. Ngoài việc thực hiện chức năng ăn uống, phát âm, biểu lộ cảm xúc… sự kết hợp hài hòa của môi, lợi, răng ở vùng miệng còn tạo nên nét sinh động, ấn tượng và nụ cười duyên dáng.
Ở người bình thường môi trên che gần hết răng cửa. Khi cười, sự phối hợp hoạt động của nhóm cơ vùng môi làm môi trên được kéo lên trên và sang hai bên. Lúc đó, răng hàm trên lộ ra, tuy nhiên lợi vẫn được môi che lấp. Trong khi đó, ở những người cười hở lợi, không chỉ răng lộ hoàn toàn mà lợi cũng bị lộ ra (hở từ 1/2 tới 2/3 viền lợi của cung răng – tùy vào mức độ).
Hở lợi không phải là một bệnh, đó chỉ là một khiếm khuyết thẩm mỹ nhỏ không ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, người cười hở lợi thường thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người và đặc biệt không dám cười thoải mái!
Trước và sau khi thực hiện phẫu thuật cười hở lợi |
Phẫu thuật hở lợi bằng... mắc cài
Đã có nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị cười hở lợi như: phẫu thuật can thiệp vào xương, chỉnh nha, phẫu thuật cắt nướu lợi, phẫu thuật mở ngách tiền đình môi trên... Những phương pháp phẫu thuật này khá phức tạp lại có nhiều hạn chế là thời gian chỉnh nha kéo dài, phải cắt xương, đường mổ dài...
Hiện nay một giải pháp mới trong phẫu thuật thẩm mỹ điều trị hở lợi đang được đánh giá cao là dùng mắc cài tự tiêu kết hợp giải phóng bó cơ nâng môi trên để giữ cho môi trên không bị kéo lên và mắc cài này sẽ hoàn toàn tiêu sau một tháng.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp trước nhờ thời gian phẫu thuật ngắn (khoảng 40 phút), không để lại sẹo, kết quả sau mổ tốt (đạt 90%,) bệnh nhân không sưng đau, ăn uống và vệ sinh răng miệng bình thường.
Chỉ định phẫu thuật
Cười hở lợi có thể xuất hiện đơn thuần hoặc kết hợp với sự bất thường của xương hàm trên, cung răng… Phẫu thuật mắc cài chỉ can thiệp vào phần mềm mà không can thiệp vào phần xương, vì vậy trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên được khám để đánh giá chính xác mức độ hở lợi từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp nhất.
Phương pháp sử dụng mắc cài tự tiêu được áp dụng với người bị cười hở lợi độ ba (mức độ hở lợi nhiều nhất). Đối với người cười hở lợi ở độ một, hai sau khi thực hiện phẫu thuật giải phóng cơ rồi mà kết quả chưa tốt cũng có thể thực hiện tiếp phương pháp này.
Với trường hợp hở lợi nhưng xương hàm trên quá hô, hướng mọc răng không bình thường (vẩu) thì nên cân nhắc khi chọn phương pháp này.
Quy trình “giải phóng và mắc cài”
Trước tiên, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ khoảng 3mm ở chân trụ mũi để giải phóng điểm bám của cơ nâng môi trên, tạo sự di động linh hoạt của cơ nâng cánh mũi và môi trên. Tiếp đến, một “đường hầm” đủ rộng được tạo ra, xác định chính xác vị trí mới của ngách tiền đình môi, rồi xác định vị trí đặt mắc cài tự tiêu ở hai bên, dùng mắc cài tự tiêu cố định cơ xuống vị trí tiền đình mới và phục hồi hai đầu cơ nâng môi trên.
Thực chất của phẫu thuật này giống như việc xê dịch “ghim kẹp” giữa cơ nâng môi trên và chân trụ mũi xuống vị trí thấp hơn để giúp môi không bị kéo lên quá cao, lúc đó lợi sẽ được che khi cười.
Phẫu thuật xong, hai tuần sau khám lại, nếu bình thường, thì kết quả sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đây là phương pháp điều trị hở lợi hoàn toàn không ảnh hưởng tới chức năng ăn uống, phát âm, đặc biệt vẫn giữ nguyên được cảm giác của môi và biểu lộ cảm xúc nếu được phẫu thuật đúng kỹ thuật.
Việc giải phóng điểm bám cơ nâng môi trên qua đường mổ nhỏ không dễ dàng, nên rất dễ ảnh hưởng lớn tới kết quả điều trị cũng như gây khó khăn cho phẫu thuật sửa chữa và khắc phục di chứng. Vì vậy, những người có nhu cầu phẫu thuật hở lợi cần tìm hiểu và được tư vấn kỹ lưỡng từng bước tại các bệnh viện chuyên về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có uy tín, tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc là phẫu thuật rồi mà cười vẫn... hở lợi.