GS.VS.NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh thời gian gần đây trên cả nước, xuất hiện rất nhiều ấn phẩm viết về lịch sử dưới rất nhiều dạng thức và thể loại, bộc lộ những hạn chế và những khuynh hướng cực đoan mà nếu không có những điều chỉnh khoa học thì sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề; Tính chất nghiệp dư, thiếu hiểu biết về tính khoa học của sử học đã dẫn tới tình trạng dễ dãi trong việc diễn giải và bình luận các sự kiện, nhân vật lịch sử, đồng nhất truyền thuyết, giai thoại với lịch sử hoặc tùy tiện suy diễn.
Những kiến thức sai lạc, thậm chí bóp méo lịch sử nhiều khi được phổ biến rộng rãi lại biến thành nhận thức của đám đông, rất khó kiểm soát. Trong bối cảnh ấy, hết sức cần một điểm tựa học thuật để căn chỉnh những nhận thức sai lệch. Bộ Lịch sử Việt Nam có tính chất như bộ lịch sử mang tầm quốc gia mà nhiều người quen gọi là quốc sử phải đảm nhiệm sứ mệnh này.
Tại Hội nghị tập huấn, trên tinh thần khoa học, xây dựng và chia sẻ, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử của Việt Nam, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành lịch sử đã mạnh dạn, thẳng thắn báo cáo, chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình trong thời gian qua. Đồng thời, đưa ra những băn khoăn, thắc mắc của bản thân gặp phải về kiến thức chuyên môn, về phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu để được các chuyên gia giải đáp và chia sẻ…