Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục cho giáo viên

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý, triển khai tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục cho đội ngũ giáo viên các tỉnh thành.

Các giáo viên tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh.
Các giáo viên tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh.

Công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng

Ngày 2/11, tại TP Đà Nẵng, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên triển khai tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.

Tham dự có tập huấn có TS Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cùng 200 cán bộ giáo viên tham dự trực tiếp và 5.300 giáo viên trên 63 tỉnh thành dự bằng hình thức trực tuyến. Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 2 và 3/11.

TS Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh
TS Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh

Phát biểu khai mạc tập huấn, TS Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay, trường học là nơi học sinh dành nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em.

“Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng. Tư vấn tâm lý được hiểu là sự áp dụng nguyên tắc tâm lý, sức khỏe tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người thông qua các chiến lược can thiệp một cách có hệ thống về nhận thức, xúc cảm, hành vi, tập trung vào sự phát triển cá nhân lành mạnh, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý…”, TS Trần Văn Đạt chia sẻ.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên nhấn mạnh rằng, việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học trong các cơ sở giáo dục là hết sức quan trọng.

Mục tiêu của Hội nghị tập huấn này hướng đến là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác này tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn sử dụng tài liệu mô hình dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với GNI và các tổ chức liên quan thí điểm mô hình dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học tại một số tỉnh/thành. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ học sinh trong trường học.

Tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Giảng viên, chuyên gia tập huấn hướng dẫn nội dung tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh.

Giảng viên, chuyên gia tập huấn hướng dẫn nội dung tập huấn. Ảnh: Hoàng Vinh.

Đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đề nghị các thầy cô giảng viên, chuyên gia tập huấn phải hướng dẫn, phân tích các nội dung sau đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của tập huấn. Trong đó, hướng dẫn sử dụng tài liệu hướng dẫn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học và tài liệu hướng dẫn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học, tập trung vào các nội dung cụ thể.

Bên cạnh đó, cung cấp các kiến thức cơ bản và thực hành về các kỹ năng tư vấn tâm lý trong tư vấn, hỗ trợ học sinh cho cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên tại các cơ sở giáo dục...

Đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại của tập huấn để đưa ra những đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội của Bộ GD&ĐT.

“Đối với cán bộ giáo viên tham gia tập huấn trực tiếp và trực tuyến phải tham dự đầy đủ, nghiêm túc. Tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành trong các chuyên đề… Tiếp thu và cầu thị, đồng thời nắm bắt những kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những tình huống thực tiễn gặp phải tại các nhà trường để cùng với các chuyên gia, các thầy cô từng bước tháo gỡ, nhằm nâng cao những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ giáo viên...”, TS Trần Văn Đạt yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Công thức của hòa bình

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine đề xuất một 'công thức hòa bình' cho cuộc xung đột suốt mấy năm qua, nhưng giới chức Nga khẳng định không quan tâm.