Ngày 8/6, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục.
Dự chương trình có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học cùng hơn 21.000 thầy cô giáo dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Thời gian qua, trước những áp lực kinh tế xã hội, sự ảnh hưởng tiêu cực từ không gian mạng, một bộ phận học sinh bắt chước và thực hiện một số hành vi tự gây tổn thương cho bản thân. Hành vi này đi liền với nhiều vấn đề khác về sức khỏe tâm thần, trầm cảm.
Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) - phát biểu khai mạc chương trình. |
Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng. Tư vấn tâm lý được hiểu là sự áp dụng nguyên tắc tâm lý, sức khỏe tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người thông qua các chiến lược can thiệp một cách có hệ thống về nhận thức, xúc cảm, hành vi, tập trung vào sự phát triển cá nhân lành mạnh, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý.
Tư vấn tâm lý tập trung giải quyết vấn đề cụ thể liên quan đến tâm lý của một cá nhân trong khi đó công tác xã hội hướng tới giúp đỡ cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm các vấn đề vi mô như các mối quan hệ xã hội của cá nhân hay vấn đề vĩ mô như quyền con người, công bằng xã hội.
Giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học, trong đó có Thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; công văn số 4252/2022 về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về tư vấn tâm lý học đường, phối hợp tích cực với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế như UNICEF, GNI, Room to Read... để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, bảo vệ học sinh trong trường học. Đồng thời, triển khai hướng dẫn một số cơ sở giáo dục thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để thực hiện tốt hơn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Các đại biểu dự tập huấn tại điểm cầu Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục. Mục đích để giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn nhằm thực hiện tốt các yêu cầu về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6. Trong chương trình tập huấn, các chuyên gia sẽ hướng dẫn sử dụng tài liệu, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý trường học trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử. Cùng với đó, các học viên là cán bộ, giáo viên tại 63 Sở GD&ĐT sẽ được trao đổi, tương tác, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn xử lý các tình huống thực tiễn về công tác xã hội tại trường học.