Tham dự chương trình có TS Trần Đình Châu, Phó Trưởng ban chỉ đạo đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT; TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP Trung ương.
Khóa tập huấn - bồi dưỡng sẽ do 24 giảng viên chủ chốt của trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) lên lớp, với sự tham gia của 445 giáo viên phổ thông cốt cán các môn học của 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.
“Chúng tôi mong muốn và đề nghị các giảng viên sư phạm đứng lớp cùng các giáo viên phổ thông cốt cán tham gia khóa tập huấn sẽ dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình để các nội dung được triển khai một cách hiệu quả nhất” - TS Trần Đình Châu nhấn mạnh.
Nối tiếp thành công từ việc triển khai mô-đun 1 vào năm 2019, khóa tập huấn - bồi dưỡng năm 2020 này sẽ triển khai mô-đun 2 (Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THCS/THPT) và mô-đun 3 (Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, THCS, THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực).
Mỗi mô-đun, học viên sẽ có 5 ngày tự học qua hệ thống học trực tuyến LMS, 3 ngày học trực tiếp, và 7 ngày tự hoàn thành bài học qua LMS với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt.
Theo kế hoạch nội dung chương trình, trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cũng sẽ tổ chức tập huấn - bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán của 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
“Chúng tôi mong đợi rằng thông qua việc thực hiện Chương trình ETEP, năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” - PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) là chương trình nhằm phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) là 1 trong số 8 trường đại học sư phạm chủ chốt trong cả nước được lựa chọn. Nhà trường được phân công bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán của 8 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, với tổng số trên 3.200 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng trực tiếp, hơn 73.000 giáo viên phổ thông đại trà được hỗ trợ bồi dưỡng qua mạng.
Hiện nhà trường đã phát triển hệ thống nguồn học liệu mở nhằm giúp cho công tác hỗ trợ, bồi dưỡng được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng sẽ được đánh giá trên hệ thống TEMIS một cách chính xác và kịp thời.