Tập huấn - bồi dưỡng cho 327 giáo viên THCS/THPT cốt cán miền Trung

GD&TĐ - Từ ngày 22-24/11, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức tập huấn - bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 327 giáo viên THCS/THPT cốt cán tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Giáo viên cốt cán xác định được tầm quan trọng của đợt bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Giáo viên cốt cán xác định được tầm quan trọng của đợt bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018

“Chúng tôi cũng khát khao được đổi mới”

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải diễn ra đồng bộ, trong đó, điều kiện quyết định sự thành công của chương trình chính là đội ngũ giáo viên (đặc biệt là đội ngũ giáo viên cốt cán).

Giáo viên 10 tỉnh miền Trung đánh giá rất cao chất lượng tập huấn – bồi dưỡng của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Nhiều tỉnh đã tiếp tục đặt hàng Nhà trường bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên đại trà và cán bộ quản lý thời gian tới”.

PGS.TS. Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
PGS.TS. Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc 

Sau phiên khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thám và TS. Nguyễn Đức Cương - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế giới thiệu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phân tích những điểm mới cốt lõi của Chương trình và giải đáp những vấn đề còn băn khoăn của học viên.

Tham gia khóa tập huấn, học viên được cấp tài khoản vào hệ thống LMS để tự học, tìm hiểu trước những nội dung học tập thông qua tài liệu, bài giảng, video, thảo luận và trả lời các câu hỏi kiểm tra kiến thức trong thời gian 7 ngày.

Trong 3 ngày tập huấn trực tiếp, học viên được tìm hiểu về những vấn đề cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; thực hành tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu như: xây dựng kế hoạch bài học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; cách đánh giá năng lực học sinh; thực hành phát triển kế hoạch bài học.

Kết thúc khóa tập huấn, học viên sẽ hiểu rõ về tư tưởng chủ đạo, quan điểm phát triển và cấu trúc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cùng những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, giáo dục tích hợp và phân hóa, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục STEM, tính mở và linh hoạt của Chương trình.

Đội ngũ giáo viên được xem là nhân tố quyết định

Cô giáo Lại Thị Linh, Trường THCS Duy Tân, Thành phố Huế cho biết: “Với kinh nghiệm 15 năm giảng dạy tôi nhận thấy chương trình hiện hành cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước cũng như phù hợp với con người mới trong thời đại mới. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng khát khao được đổi mới.

Trong những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi thấy tâm đắc nhất là điểm mới về phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

Toàn cảnh học viên tham gia đợt tập huấn
Toàn cảnh học viên tham gia đợt tập huấn 

Tôi cũng là một người mẹ và cũng có con đi học. Con tôi có thể học rất giỏi về kiến thức nhưng về năng lực trong cuộc sống, tôi thật sự thấy rất là thiếu. Nên tôi thấy rất cần thiết giáo dục cho con em của mình, đặc biệt là giáo dục cho học trò của mình có được những năng lực mới.Cho dù các em không giỏi về kiến thức nhưng ra đời các em vẫn sống tốt với mọi hoàn cảnh bằng phẩm chất và năng lực của mình".

Đây là đợt tập huấn bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng, bởi chính đội ngũ giáo viên được xem là nhân tố quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau khi được tập huấn, đội ngũ giáo viên cốt cán có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên trường mình, địa phương mình tự bồi dưỡng tại nhà trường, tại công việc để nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới giáo dục nói chung.

Theo lộ trình, năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất ở tất cả các khối lớp. Trước đó, Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế đã bồi dưỡng cho giáo viên THCS/THPT cốt cán của 7 tỉnh miền Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ