Bồi dưỡng GV tiểu học cốt cán: Chủ động tiếp nhận chương trình mới

GD&TĐ - Hàng chục nghìn giáo viên cốt cán 63 tỉnh thành đã và đang được tham gia bồi dưỡng - tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh CTGDPT mới sắp triển khai. Điều cần thiết nhất vẫn là mỗi giáo viên phải chủ động, sáng tạo tiếp nhận tinh thần đổi mới.

Thầy Nguyễn Thanh Tùng (người đứng giữa) trao đổi tại nhóm
Thầy Nguyễn Thanh Tùng (người đứng giữa) trao đổi tại nhóm

Thay đổi cách tiếp cận

Tham gia đợt tập huấn, giáo viên tiểu học cốt cán được các giảng viên chủ chốt của các trường ĐH sư phạm hướng dẫn phương pháp thực hiện các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Tin học và Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất.

Từ đó, giáo viên tiểu học cốt cán hiểu rõ hơn về những điểm mới cũng như quan điểm xây dựng chương trình môn học và mục tiêu của chương trình, đồng thời nắm bắt được phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả.

PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho biết: “Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế là 1 trong 8 trường đại học sư phạm/học viện được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình ETEP thực hiện tập huấn giáo viên cốt cán và cán bộ cơ sở GDPT cốt cán.

CTGDPT mới khi thực hiện sẽ là cuộc cách mạng thực sự bởi chương trình góp phần thay đổi từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Do đó, thông qua đợt tập huấn này, các giảng viên chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế sẽ giúp trang bị kiến thức cũng như cách đánh giá dạy học theo Chương trình mới cho đội ngũ giáo viên tiểu học cốt cán”.

Hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa/ INT
 Hoạt động bồi dưỡng giáo viên.             Ảnh minh họa/ INT

Nắm chắc phương pháp dạy học

“Chúng tôi được tập huấn về nội dung rất rõ ràng, phương pháp rất phù hợp. Sự cởi mở, thân thiện của giảng viên hướng dẫn giúp chúng tôi nắm vững được chương trình. Chương trình được soạn theo hướng mở, nội dung kiến thức được giảm nhẹ, không đặt quá nặng vào truyền thụ kiến thức, đặc biệt là đã thay cụm từ: “Học sinh biết gì sau bài học?” thành “Học sinh làm được gì sau khi học?”, cô Đặng Thị Thuận (Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) chia sẻ.

Đợt tập huấn cũng là dịp để các giáo viên tiểu học cốt cán chia sẻ các ý kiến góp phần nâng cao chất lượng triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Cô Hoàng Ánh Phương (Trường Tiểu học Lê Nhật, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Tham gia đợt tập huấn bồi dưỡng giáo viên (GV) cốt cán, chúng tôi được cung cấp những kiến thức vô cùng quý giá. Đặc biệt, cách tổ chức hoạt động nhóm giúp giáo viên nắm chắc phương pháp dạy học để từ đó giúp học sinh phát huy tính sáng tạo trong quá trình học”.

Mỗi giáo viên phải chủ động, sáng tạo

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ chính thức học theo CTGDPT mới. Chương trình mới hướng tới việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu. Để nắm được chương trình - sợi chỉ đỏ của đổi mới giáo dục lần này, đội ngũ GV cốt cán phải biết phát hiện vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục và thiết kế đề tài nghiên cứu giải pháp giải quyết; nắm vững kiến thức, kỹ năng về môn học được phân công dạy, biết lập các loại kế hoạch dạy học.

Thảo luận sôi nổi về “Những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực môn Mỹ thuật”, thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên Trường Tiểu học Số 2, phường Bình Định, TX An Nhơn (Bình Định) cho biết: Nhìn chung phần lớn Chương trình Mỹ thuật 2018 kế thừa và phát huy những điểm mạnh của chương trình cũ. Điểm mới đáng chú ý của chương trình chính là hình thành phẩm chất năng lực thẩm mỹ, lần đầu tiên được dạy học ở cấp THPT.

CT bảo đảm dạy học tích hợp, dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn GD cơ bản, môn học là nội dung GD bắt buộc; ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, môn học là nội dung GD lựa chọn. Đây là môn quan trọng trong cuộc sống, ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực trong cuộc sống. Tôi và nhiều đồng nghiệp đã sẵn sàng và háo hức chờ đợi CTGDPT mới được triển khai”.

Bà Trần Thị Mỹ An, Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới chia sẻ: Các hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán sẽ tiếp tục từ nay đến năm 2021. Và đội ngũ cốt cán này sẽ được các trường sư phạm chủ chốt bồi dưỡng nâng cao năng lực thường xuyên để hỗ trợ các hoạt động phát triển nghề nghiệp của giáo viên tại địa phương một cách liên tục, ngay tại chỗ.

Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán là bước đi quan trọng bối cảnh CTGDPT sắp triển khai. Tuy nhiên, đội ngũ GV cốt cán sau khi được bồi dưỡng, tập huấn cần đẩy mạnh các hoạt động tại địa phương, ngay tại các trường nhằm lan tỏa tinh thần của đổi mới đến toàn bộ giáo viên phổ thông trong cả nước.

Và điều quan trọng là bản thân mỗi giáo viên cũng phải chủ động, sáng tạo tiếp nhận tinh thần đổi mới. Sự thành công của CTGDPT mới, sự thành công của việc bồi dưỡng giáo viên phụ thuộc vào chính sự chủ động, sáng tạo của mỗi thầy cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.