Phía sau khoản lợi nhuận 49 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) doanh thu thuần đạt trên 4.079 tỷ đồng, cao hơn 3 quý trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt trên 7.062 tỷ đồng, cao hơn mức lũy kế cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lại thấp hơn 3 quý liền kề trước đó với 134 tỷ đồng và thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Quý 2, Tập đoàn Hòa Bình ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 49,8 tỷ đồng – cao hơn so với 3 quý liền kề trước đó nhưng thấp hơn so với cùng kỳ.
Mặc dù có lãi, song có chuyên gia cho rằng, tình hình tài chính của Tập đoàn Hòa Bình đang tiềm ẩn rủi ro trung và dài hạn khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.364 tỷ đồng. Ở cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này là dương trên 691 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Công ty cũng ghi nhận khoản âm trên 200 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là dương trên 20,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư là âm trên 1.564 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Bình gia tăng các khoản vay từ ngân hàng và phát hành trái phiếu... |
Nhìn vào cân đối kế toán so với 3 tháng trước đó có thể thấy, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình đang bị bào mòn. Các khoản nợ vay có xu hướng phình to và hiện đang ở mức cao hơn khoảng 4 lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình đang ở mức trên 3.800 tỷ đồng, trong khi con số này ở Quý 3, 4/2021 và Quý 1/2022 lần lượt là 4.200 tỷ đồng, 4.226 tỷ đồng và 4.080 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu giảm, trong khi khoản nợ phải trả lại tăng đều. Quý 2/2022, nợ phải trả của Tập đoàn Hòa Bình đạt trên 14.300 tỷ đồng. Trong khi số liệu này của Quý 3, 4/2021 và Quý 1/2022 lần lượt là 11.500 tỷ đồng, 12.573 tỷ đồng, 13.000 tỷ đồng.
Do các khoản nợ tăng, nên tổng tài sản của Tập đoàn Hòa Bình cũng tăng từ trên 15.700 tỷ ở quý 3/2021 lên trên 18.225 tỷ ở quý 2/2022.
Theo bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020, Tập đoàn Hòa Bình có cộng khoản vay ngắn hạn trên 5.460 tỷ đồng.
Các đơn vị cho Tập đoàn Hòa Bình vay lớn nhất phải kể đến: Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam cho vay trên 2.265 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho vay 1.286 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ 3 trong nhóm chủ nợ của Xây dựng Hòa Bình là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với số tiền cho vay trên 480 tỷ đồng…
Khoản vay dài hạn của Xây dựng Hòa Bình cũng gia tăng mạnh với 1.073 tỷ đồng. Trong khi số liệu này ngày 1/1/2022 là trên 398 tỷ đồng.
Ngoài vay nợ từ ngân hàng, đòn bẩy tài chính từ huy động trái phiếu của Xây dựng Hòa Bình cũng có xu hướng gia tăng.
Hiện, việc phát hành trái phiếu giúp Xây dựng Hòa Bình thu về số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Việc phát hành 4 lô trái phiếu do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp và 3 đối tác trái chủ là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh TP HCM, Quỹ đầu tư cơ hội PVI và Quỹ đầu tư hạ tầng PVI.
Có chuyên gia tài chính cho rằng, đối với doanh nghiệp, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và nợ vay là yếu tố quan trọng phản ánh tình hình làm ăn của công ty trong trung và dài hạn. Khi nợ ở mức cao mà dòng tiền lưu chuyển âm là chỉ báo rất tiêu cực cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Như vậy, nếu thời gian tới Xây dựng Hòa Bình không có biện pháp hiệu quả để cải thiện dòng tiền và hoạt động kinh doanh thì có thể đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong trung và dài hạn.
Tham vọng vươn tầm thế giới của Chủ tịch Lê Viết Hải có thể gặp thách thức trong thời gian tới nếu Công ty không có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm (ảnh hbcg.vn). |
Khoản phải thu gia tăng
Căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2022 của Tập đoàn Hòa Bình có thể thấy, các khoản phải thu tiếp tục gia tăng với tổng cộng trên 12.900 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2022, con số này là trên 11.538 tỷ đồng.
Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là gần 5.600 tỷ đồng. Phải thu theo KH Hợp đồng xây dựng là gần 5.300 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn khác là gần 2.000 tỷ đồng. Trả trước cho người bán ngắn hạn trên 448 tỷ đồng. Phải thu về cho vay ngắn hạn là gần 57 tỷ đồng và Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là âm trên 378 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Bình còn có các hoạt động đầu tư góp vốn tại các đơn vị liên doanh, liên kết, chi mua, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn… khiến dòng tiền đầu tư của Công ty âm trên 200 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Bình là đơn vị lớn trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (ảnh: hbcg.vn) |
Trên thị trường chứng khoán, từ 10/1/2022 đến 20/6, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Hòa Bình liên tục lao dốc từ 35.130 đồng/ cổ phiếu xuống 15.290 đồng/ cổ phiếu – tức bốc hơi khoảng 56% giá trị.
Từ 20/6 đến nay, cổ phiếu HBC có sự phục hồi từ mốc 15.290 đồng lên 21.070 đồng/ cổ phiếu (tính đến ngày 11/8).
Theo các thông tin công khai, Tập đoàn Hòa Bình hiện do ông Lê Viết Hải nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao nhất với 17,21% và giữ chức Chủ tịch HĐQT, tiếp đến là Hyundai Elevator Co., Ltd nắm giữ 10,69%, Korea Invesment Management Co., Ltd nắm giữ 10,11%.
Ngoài ra, nhóm cổ đông quan trọng còn có sự xuất hiện của các pháp nhân Lê Viết Hà, Lê Viết Hiếu, Lê Viết Hưng, Lê Văn Nam, Lê Thị Cẩm Tú, Lê Thị Kim Thoa…
Từ tháng 6/2022 đến nay, ông Lê Viết Hải có 2 đợt mua cổ phiếu HBC và tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty. Đó là từ 23/6 đến 22/7, ông Hải mua vào 3,4 triệu cổ phiếu qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 15,84% lên 17,21%.
Từ 27/7 đến 25/8 ông Lê Viết Hải tiếp tục đăng ký mua vào hơn 6,6 triệu cổ phiếu. Khi giao dịch hoàn tất, ông Hải sẽ sở hữu 48,9 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu là 19,91%.