Sáng 28/3, Hội thảo “Dinh dưỡng trong học đường” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các phòng giáo dục và đào tạo; các trường tiểu học, mầm non trên cả nước.
Tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Các diễn giả tham gia trình bày tham luận và thảo luận bàn tròn tại Hội thảo có: Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế); Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế); Thạc sĩ Phạm Văn Hinh – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng – chuyên viên Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cùng với đó, Hội thảo còn có sự tham gia trực tiếp của hơn 20 cán bộ, lãnh đạo, đại diện các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội và 96 điểm cầu trực tuyến với gần 600 người là cán bộ phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, giáo viên, cán bộ y tế và phụ huynh học sinh tại các trường mầm non, tiểu học trên địa Thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Sơn La, Thành phố Hải Phòng, Tỉnh Hà Giang, Tỉnh Đắk Lắk…
Gần 600 cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh,... tại 96 điểm cầu trực tuyến cùng tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Đoàn
Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình chia sẻ, nhiều năm qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thường xuyên phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông, các trường đại học trên cả nước tổ chức các hội thảo tư vấn hướng nghiệp, tọa đàm tham vấn, góp ý, phản biện chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đơn cử như chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức ở hàng trăm trường trung học phổ thông trên cả nước trong nhiều năm qua; hội thảo, tọa đàm góp ý về dự thảo Luật Giáo dục 2019; triển khai Luật Giáo dục 2019; Luật Giáo dục đại học sửa đổi….
Tiếp nối những thành công đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Dinh dưỡng trong học đường” nhằm góp phần tăng cường hiểu biết về vai trò của dinh dưỡng với sự phát triển thể chất, trí tuệ của học sinh, hướng tới thực hành bữa ăn học đường có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, phù hợp góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình cũng gửi lời cảm ơn đến Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tài trợ cho hội thảo ý nghĩa này.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Mạnh Đoàn
Chuyên gia hướng dẫn cách xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng, khoa học và dễ thực hiện
Hội thảo mở đầu bằng tham luận "Thực trạng dinh dưỡng học đường hiện nay và các giải pháp can thiệp" do Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) trình bày.
Tiếp đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng - chuyên viên Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có bài trình bày về “Vai trò của dinh dưỡng với sự phát triển thể chất của học sinh”.
Thạc sĩ Phạm Văn Hinh - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trình bày tham luận "Tình hình ngộ độc thực phẩm - Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục".
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Đoàn
Sau phần tham luận các chuyên gia đã tham gia phiên thảo luận nhằm làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến vấn đề dinh dưỡng trong học đường, an toàn thực phẩm, chế độ ăn uống đảm bảo khoa học, cân bằng dinh dưỡng và trả lời các câu hỏi cụ thể từ các hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh.
Quan tâm đến vấn đề bữa ăn học đường, một giáo viên đặt câu hỏi: “Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Vậy nên hiểu ngắn gọn như thế nào là một bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng, khoa học?”
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh, mầm non và tiểu học là giai đoạn quan trọng nhất về vấn đề dinh dưỡng, có vai trò tạo đà cho trẻ phát triển, chuẩn bị tích lũy chất dinh dưỡng, giúp giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì là cơ hội thứ 2 trong cuộc đời trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao. Đây cũng là giai đoạn trẻ có thể luyện tập cách ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm.
Theo đó, PGS.TS Bùi Thị Nhung chia sẻ, một bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng cần phải được tính toán 1 cách khoa học, đảm bảo đủ năng lượng và cân đối giữa các chất sinh năng lượng như chất đường, chất đạm, chất béo. Tiếp theo phải đa dạng (cân đối trên 10 loại thực phẩm, trong đó có 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, 3-5 loại rau củ, tùy thuộc vào kinh phí của nhà trường) và đảm bảo định lượng rau củ quả phù hợp với từng giai đoạn từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế). Ảnh: Mạnh Đoàn
Về vấn đề làm sao để xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng, khoa học và dễ thực hiện, theo dõi, TS.BS Huỳnh Nam Phương chia sẻ thêm, để làm được việc này chắc chắn các thầy cô giáo phải được đào tạo về cách xây dựng. Ngoài ra, cần có thêm phần mềm hỗ trợ tính toán thực đơn, nguồn kinh phí đủ cho một thực đơn cân bằng dinh dưỡng và nhân lực, đồng thời phải kết hợp cùng việc giáo dục dinh dưỡng mới có thể xây dựng và áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.
Cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc giáo dục dinh dưỡng, bác sĩ Huỳnh Nam Phương chia sẻ sáng kiến đang được nhiều địa phương và các nước đang áp dụng là xây dựng mô hình vườn trường.
“Đây là cách giáo dục dinh dưỡng hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề như yêu cầu thực phẩm tươi tại chỗ, an toàn, giúp trẻ học tập và hiểu thêm về cách nuôi trồng các thực phẩm mà trẻ đang tiêu thụ hàng ngày… Tất nhiên, với các trường học ở nội thành Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện sẽ khó hơn, song các trường có thể áp dụng các giải pháp khác như đưa trẻ đến trải nghiệm tại các trang trại chăn nuôi… vừa giáo dục dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời từng bước cải thiện thói quen ăn uống lành mạnh trong học đường”, chuyên gia Huỳnh Nam Phương gợi mở một số giải pháp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế). Ảnh: Mạnh Đoàn
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, yếu tố an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Chia sẻ với giáo viên, phụ huynh về một số giải pháp giúp hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, Thạc sĩ Phạm Văn Hinh lưu ý một số điểm như tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội phụ huynh học sinh trong việc tham gia kiểm tra chất lượng, truy xuất nguyên liệu thực phẩm đầu vào và giám sát điều kiện vệ sinh; Tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cho học sinh, cha mẹ học sinh, cơ sở cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn,… Tăng cường hệ thống giám sát, xây dựng phương án điều tra, xử lý, khắc phục nhằm phát hiện sớm vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể; Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến,…
Thạc sĩ Phạm Văn Hinh – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: Mạnh Đoàn
Cần chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia vào công tác đảm bảo dinh dưỡng học đường
Theo Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” được Thủ tướng phê duyệt năm 2019, một trong những giải pháp được đề cập là huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và huy động các nguồn lực hợp pháp khác thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án, chương trình của Đề án.
Đánh giá việc thực hiện giải pháp huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng nhận định công tác này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai khá tốt.
Lấy dẫn chứng minh họa, đại diện Vụ Giáo dục thể chất chia sẻ, năm học 2020-2021, với sự đồng hành của Tập đoàn TH, mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đã được thí điểm trên 10 tỉnh, thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau) gồm trẻ mầm non và học sinh tiểu học.
“Đây là mô hình thành công về việc xây dựng tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng trong trường học kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng đánh giá.
Cùng với đó, vào năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam để xây dựng, thẩm định “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”.
Chia sẻ thêm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong giai đoạn sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tích cực phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam để đánh giá lại phần mềm đã được xây dựng và ban hành năm 2017, đồng thời tăng cường hợp tác hơn nữa để cải thiện và nhân rộng mô hình này đến với các trường học.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng – chuyên viên Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Mạnh Đoàn
Đại diện Vụ Giáo dục thể chất khẳng định, từ năm 2022 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang liên tục tìm kiếm, kết nối các nguồn lực để có sự hỗ trợ cho các trường học trong việc cải thiện, nâng cao cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn cho trường học. Đồng thời, ủng hộ và khuyến khích các địa phương, trường học tự tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cải thiện công tác dinh dưỡng trong trường học.
Chia sẻ thêm về nội dung này, TS.BS Huỳnh Nam Phương cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức vào công tác đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, với giải pháp “nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án, chương trình của Đề án”, chuyên gia cho rằng việc thực hiện vẫn chưa triệt để.
“Hiện nay, nhà nước mới chỉ kêu gọi sự tham gia vì trách nhiệm xã hội. Ngành giáo dục, các đối tượng hưởng lợi, cũng như cơ quan truyền thông cần góp tiếng nói mạnh mẽ hơn, có những đề xuất cụ thể để nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung tay với nhà nước trong thực hiện chương trình”, Bác sĩ Huỳnh Phương Nam đề xuất, và gợi mở chính sách đang được thực hiện ở một số nước trên thế giới như miễn, giảm thuế với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lành mạnh.
Kết thúc hội thảo, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình gửi lời cảm ơn đến Công ty Ajinomoto Việt Nam, các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo, trường học trên cả nước đã tham gia hội thảo.
Một số hình ảnh khác trong hội thảo sáng nay:
Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình tặng hoa và gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia khách mời. Ảnh: Mạnh Đoàn
Các chuyên gia khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Mạnh Đoàn
Thầy cô giáo dự trực tuyến tại điểm cầu.
Trường Mầm non Tuổi Hoa (Hà Nội).
Trường Mầm non Thành Công (Ba Đình, Hà Nội)