Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đào tạo nghề phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương. Ảnh minh hoạ
Đào tạo nghề phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương. Ảnh minh hoạ

Đào tạo nghề cũng là “chìa khóa” để các địa phương rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo

Ở Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực qua đào tạo nghề là một trong ba trụ cột tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong ba khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp từ thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nhân lực miền núi và đồng bào dân tộc.

ThS Dương Dũng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Hợp tác - Khoa học (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái) đưa ra một số giải pháp để thực hiện đào tạo chất lượng cao cho thanh niên miền núi và dân tộc nội trú. Trong đó có đẩy mạnh nhiều hoạt động giáo dục đa dạng thu hút học sinh. Tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động kỹ năng sống, công tác học sinh nội trú, đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số, văn hóa dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Bên cạnh đó, cần tập trung huy động tối đa nguồn lực, nhất là thu hút các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Mục đích để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên theo học cũng như tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại.

Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hợp tác quốc tế như chuyển giao chương trình, đào tạo giáo viên, hỗ trợ cơ sở vật chất, trao đổi giáo viên và sinh viên. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá về đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo theo tiêu chí của trường chất lượng cao.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng theo chuẩn đầu ra chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Đặc biệt, ThS Dương Dũng Thắng kiến nghị về việc cần có các chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đủ điều kiện đào tạo nghề chất lượng cao. Xây dựng chính sách hỗ trợ người học từ khâu tuyển sinh, đào tạo, tạo việc làm sau tốt nghiệp. Kết nối, chuyển giao từ các nước tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế và ASEAN về chương trình, đào tạo giáo viên, hỗ trợ cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tăng cường thu hút thanh niên đến trường học nghề

ThS Nguyễn Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ cho rằng, nông thôn, nhất là lao động thanh niên thiếu hoặc mất việc cần có biện pháp giải quyết kịp thời. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề, góp phần xoá bỏ nếp nghĩ “làm bữa nào xào bữa ấy”, thu hút thanh niên đến trường học nghề. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Mục đích nhằm làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề, trong đó có thông tin về đào tạo cho doanh nghiệp. Có chính sách giảm học phí, miễn học phí trong đào tạo nghề cho thanh niên diện đói nghèo.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề một cách cụ thể theo ngành, nghề, theo vùng, trong đó, có quy hoạch các trường nghề chất lượng cao. Hỗ trợ dạy nghề truyền thống cho các làng nghề ở nông thôn. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo. Xây dựng giáo trình chuẩn về các nghề cơ khí điện tử, điện... Song song với việc đổi mới giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy nghề, cần chú trọng công tác đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ cao.

Đồng thời, tổ chức dự báo nhu cầu, hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hoạt động đào tạo phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề tốt để thanh niên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những ngành nghề mà mình dự định theo học. Định hướng cho thanh niên, giúp họ hiểu được sau khi học họ sẽ làm gì.

Bên cạnh đó, cần tìm ra các mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là công tác liên kết đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Trong đó, cần liên kết với các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật bên ngoài để nâng cao chất lượng dạy nghề.

Chú ý cung cấp những kỹ năng cần thiết để người lao động, đặc biệt là thanh niên có thể tìm việc làm trong cơ sở sản xuất với mức thu nhập cao hơn. Đồng thời, mở các lớp tư vấn, hướng nghiệp để định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề phù hợp, giáo dục về ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài.

ThS Cao Văn Thích, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang nhận định, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần thời gian dài nên phải được xác định là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

ThS Cao Văn Thích cho rằng, cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tại các trường trung cấp nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn. Đồng thời, tận dụng các điểm nhà văn hoá khóm, ấp làm cơ sở dạy nghề đơn giản như thêu ren, kỹ thuật trồng nấm, đan lát… để người dân tại địa phương có thể tham gia học tập mà không cần di chuyển xa.

“Ngoài ra, công tác đào tạo nghề phải gắn với công tác giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Hoạt động đào tạo phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn”, ThS Cao Văn Thích nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ