Sử dụng thuật toán tiên tiến nhất
TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, sản phẩm robot trí tuệ nhân tạo phụ đạo kiến thức cho sinh viên được xây dựng trên nền tảng học tăng cường (reinforcement learning) một thuật toán tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ này giúp cho robot thông minh hơn và có tính người hơn so với các phương pháp trước đây.
Có thể tùy chỉnh các mức độ như học có giám sát (supervise learning) học không giám sát (unsupervise learning) hay học sâu (deep learning). Bằng việc áp dụng công nghệ lập trình ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp robot có thể hiểu và trò truyện với người dùng như con người với con người. Thậm chí còn có thể sử dụng và hiểu các ngôn ngữ cao cấp, các cấu trúc phức tạp của câu và cả tiếng lóng trong giao tiếp.
Robot có thể hiểu các đoạn chat bằng tiếng Anh, kể cả sai chính tả, cấu trúc, và trả lời nhanh và chính xác. Bên cạnh đó, robot có thể phục vụ cùng 1 lúc hàng trăm nghìn người dùng cùng một lúc mà không sợ bị nghẽn mạng hay chậm xử lý nhờ vào bộ xử lý tối ưu và các thuật toán tối ưu của nó. TS Huân kỳ vọng robot sẽ trở thành người bạn đồng hành giúp các bạn học sinh sinh viên có thể ôn tập kiến thức, kiểm tra kiến thức và nâng cao kiến thức được tốt hơn.
Để tạo ra sản phẩm này, TS Huân và cộng sự đã xây dựng phần mềm, kết nối dữ liệu để robot có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của người dùng. Các vấn đề liên quan đến các kiến thức bách khoa, đại cương, và cả các phân tích sâu về tất cả các ngành khoa học và xã hội, từ vật lý, toán học, sinh học, hóa học đến văn học, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị.
Không đóng khung trong kiến thức có sẵn, robot còn có tính năng tự động cập nhật kiến thức mới, sự kiện mới, diễn biến mới trên thế giới thông qua kết nối Internet để trả lời mọi câu hỏi đương đại về kinh tế, chính trị, văn hóa...
Cơ sở hạ tầng đã do nhóm nghiên cứu đầu tư và đã phát triển robot thành sản phẩm hoàn chỉnh. Hệ thống máy chủ xử lý của robot có cấu hình chip AMD 64 nhân, card đồ họa 128 Gb, Ram 128 GB, bộ nhớ trong 16 TB. Với chi phí đầu tư ban đầu là 200 triệu đồng.
Nhóm đã bắt tay nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong 3 tháng. Sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi cho hàng triệu người dùng ở Việt Nam và trên thế giới ở mọi lứa tuổi. Giúp nâng cao kiến thức và trải nghiệm thế giới, cũng như có thể ứng dụng vào các ngành dịch vụ, kinh tế.
Giảm chi phí thuê gia sư
Theo TS Huân, robot trí tuệ nhân tạo với vai trò cung cấp kiến thức, trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc, không chỉ cung cấp các khóa học tùy chỉnh theo nhu cầu mà còn có thể cung cấp các phản hồi về khóa học.
Ngoài ra, robot có thể đảm nhận các nhiệm vụ như chấm điểm, giúp học sinh học tập thậm chí có thể dạy kèm học sinh. Hệ thống AI có thể được lập trình để cung cấp các kiến thức chuyên môn, là nơi để học sinh đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin. Giáo viên sẽ có vai trò của người hỗ trợ khi sinh viên gặp khó khăn, cung cấp sự tương tác giữa người với người.
Dù có những tính năng nhất định song nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, robot không thể thay thế vai trò của người thầy. Đây chỉ là một công cụ công nghệ giúp bổ sung kiến thức, trợ giúp cho học sinh, sinh viên, rút ngắn con đường tìm ra lời giải.
Trên thực tế, để không bị công nghệ thay thế thì giáo viên cần làm được những điều mà công nghệ chưa làm được. Công việc của nhà giáo đặc biệt vì người thầy lao động bằng trái tim, lao động để nuôi dưỡng trái tim.
TS Huân cho biết, mục đích nghiên cứu của nhóm là sản phẩm giúp giảm chi phí thuê gia sư cho học sinh sinh viên ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Hiệu suất của robot có thể chăm sóc và là người bạn đồng hành của hàng triệu người dùng cùng một lúc. Với kiến thức đồ sộ mà nó thường xuyên và liên tục cập nhật và tự học cũng như tiến hóa.
Có thể tự tin nói rằng robot nắm một lượng kiến thức bách khoa của toàn thể nhân loại hiện nay. Ý tưởng này đã có sản phẩm thực tế và đã được kiểm tra kỹ càng. Người dùng có thể đặt bất cứ câu hỏi nào về các kiến thức bách khoa thậm chí nâng cao trong tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và xã hội.