Robot hướng dẫn viên du lịch

GD&TĐ - Sản phẩm này đã đoạt giải Đặc biệt “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Thủ đô năm 2021”, giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2021”.

Xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ du khách trong và ngoài nước có thể “đi du lịch qua màn hình” trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một nhóm học sinh phổ thông ở thành phố Hà Nội đã thiết kế mô hình “Trợ lý ảo du lịch”.

Một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 là ngành Du lịch.

Trong bối cảnh đó, với suy nghĩ có thể giúp du khách trong và ngoài nước có thể ở nhà mà vẫn tìm hiểu được các danh lam thắng cảnh, hiểu rõ hơn về cảnh quan, con người, các món ăn nổi tiếng của Việt Nam cũng như kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành với du khách, nhóm học sinh gồm các em: Nguyễn Hoàng Long (lớp 4A, Trường Tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), Nguyễn Huy Hoàng (lớp 7A11, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa), Nguyễn Gia Huy (lớp 10A2 chuyên Tin, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đỗ Khánh Linh (lớp 7A3, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức) đã lên ý tưởng và tiến hành thiết kế mô hình “Robot hướng dẫn viên du lịch”.

Theo em Đỗ Khánh Linh, mô hình này có 2 phần. Phần đầu là một sa bàn được làm từ bìa fomex và bìa cát tông với hình ảnh chữ S và mô hình 3D có ba địa danh nổi tiếng: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kinh thành Huế và Nhà thờ Đức Bà, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam.

Phần thứ hai là một robot đặt cạnh “sa bàn Việt Nam” trong vai trò “hướng dẫn viên du lịch”. Sau khi nhận được câu hỏi của người sử dụng, phần mềm sẽ tiến hành phân tích, xử lý và xác định được câu hỏi có nội dung tương thích.

Trưởng nhóm Nguyễn Gia Huy cho biết, để robot hoạt động phải xây dựng bộ xử lý. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu cho “hướng dẫn viên”. Sau khi có cơ sở dữ liệu, thuật toán điều khiển và giao diện với người sử dụng của robot sẽ được xây dựng.

Khi người dùng bắt đầu giao tiếp với robot, phần mềm thu nhận tín hiệu âm thanh, sau đó xử lý. Nội dung câu hỏi của người dùng có độ trùng khớp 70% các từ khóa tìm kiếm so với bộ câu hỏi có trong cơ sở dữ liệu thì được coi là trùng khớp.

Khi đã nhận dạng và tìm ra được câu hỏi tương thích với nội dung câu hỏi của người dùng, phần mềm sẽ tự động tìm ra câu trả lời, hình ảnh và video tương ứng có trong bộ câu trả lời, bộ hình ảnh và video trong cơ sở dữ liệu đã có.

Đồng thời, từ khóa về địa danh đang được nhắc tới sẽ được phần mềm truyền xuống vi điều khiển, thực hiện nhiệm vụ bật - tắt các dây đèn led tương ứng với địa danh đó.

Mô hình “Robot hướng dẫn viên du lịch” hoàn toàn có thể lắp đặt ở những nơi công cộng, các điểm du lịch, sân bay, bến cảng để du khách và bạn bè quốc tế có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin du lịch về Việt Nam.

Trưởng nhóm Nguyễn Gia Huy cho biết, trong thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp chương trình, bổ sung nguồn dữ liệu để sản phẩm này trở thành người bạn đồng hành của du khách không chỉ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cũng theo Nguyễn Gia Huy, nhóm đang lập trình để tạo được phần mềm “Trợ lý ảo du lịch” chạy trên hệ điều hành Android, nhằm tăng tính phổ biến và dễ dàng tiếp cận với mọi người sử dụng hơn.

Mô hình Robot hướng dẫn viên du lịch được các bạn học sinh giới thiệu.

Mô hình Robot hướng dẫn viên du lịch được các bạn học sinh giới thiệu.

Liên quan đến mô hình này, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, sản phẩm Robot hướng dẫn viên du lịch đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao nhất trong “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Thủ đô năm 2021”.

Mô hình đã thể hiện được ý tưởng sáng tạo, trình độ kỹ thuật, công nghệ tốt, sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phục vụ học tập, sinh hoạt.

Qua 17 lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc đã “tạo đường băng” cho niềm đam mê khoa học của nhiều thế hệ học sinh “cất cánh”, góp phần thực hiện mục tiêu chung: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.