Tạo ra phi lê cá nhờ công nghệ in 3D

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), với mức tiêu thụ như hiện nay, các đại dương trên thế giới sẽ gần như hết cá vào năm 2048.

Phi lê cá được tạo ra bằng công nghệ in 3D.
Phi lê cá được tạo ra bằng công nghệ in 3D.

Trước tình hình này, một công ty của Israel có tên Steakholder Foods đã tạo ra phi lê cá bằng kỹ thuật in 3D.

Sạch hơn cá nuôi ngoài tự nhiên

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây đã ăn thử cá mú in 3D, khiến ông trở thành thủ tướng đầu tiên nếm thử cá được in 3D. Khi được chiên và nêm gia vị, khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa phi lê cá in 3D và cá đánh bắt thông thường.

Thịt nhân tạo đang trên đà phát triển nhưng ngành này chủ yếu tập trung vào thịt bò xay, thịt gà, thịt lợn và bít tết. Tuy nhiên, mới đây, Steakholder Foods thông báo cho ra đời phi lê cá bằng máy in sinh học 3D. Công ty cho biết đây là phi lê cá đầu tiên thuộc loại này trên thế giới.

Steakholder Foods không tạo ra các tế bào cá dùng để in miếng phi lê mà hợp tác với Umami Meats, một công ty có trụ sở tại Singapore chuyên về nuôi trồng hải sản.

Umami tạo ra các tế bào cá giống như cách các công ty như Believer Meats và Good Meat tạo ra thịt gà hoặc thịt bò nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Họ chiết xuất tế bào từ cá (trong một quy trình không gây hại cho cá) và trộn các tế bào đó với hỗn hợp các chất dinh dưỡng để làm cho chúng phân chia, nhân lên và trưởng thành.

Các tế bào đã thu hoạch kết hợp với một loại “mực sinh học” cũng chứa các thành phần có nguồn gốc thực vật (điều này chủ yếu là do giá của các thành phần thực vật rẻ hơn, giúp giảm chi phí cuối cùng của phi lê cá).

Các lớp tế bào được xếp lần lượt cho tới khi miếng phi lê lớn dần đến mức hợp lý. Một ưu điểm nữa của quy trình in 3D này là mang lại cho miếng phi lê kết cấu mịn, giống như cá thật khi được nấu chín.

Loại cá được sử dụng cho món phi lê này là cá mú, một loại cá “miệng to thân nặng” có xu hướng sống ở vùng biển ấm. Umami cho biết cá mú nuôi trong phòng thí nghiệm của họ khỏe mạnh hơn so với phiên bản cá mú bơi trong đại dương vì nó không chứa bất kỳ loại kháng sinh, thủy ngân hoặc vi nhựa nào vốn có thể tìm thấy ở cá tự nhiên và cá nuôi.

Do các nguồn lực cần thiết để chăn nuôi động vật như gia súc và khí thải do chăn nuôi công nghiệp tạo ra, việc ăn thịt đã bị nhiều người coi là không thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, cá nuôi cũng có những vấn đề riêng. Việc đánh bắt quá mức đang làm cạn kiệt quần thể tất cả các loại cá trong tự nhiên, bao gồm cả cá mú. Nước ấm lên đang làm mất cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái biển và gây ra những tác động tiêu cực trong chuỗi thức ăn của chúng. Trong tình hình trên, cá phi lê in 3D từ hỗn hợp gồm cá và tế bào thực vật có thể là một giải pháp khả thi.

Lạc quan vượt qua thách thức

Phi lê cá tạo ra trong phòng thí nghiệm được cho là sạch sẽ hơn cá đánh bắt ngoài thiên nhiên.

Phi lê cá tạo ra trong phòng thí nghiệm được cho là sạch sẽ hơn cá đánh bắt ngoài thiên nhiên.

Ngành công nghiệp thịt nuôi cấy đã gặp khó khăn do giá thành sản phẩm cao, khả năng mở rộng và hạn chế về sinh học. Việc tạo ra cá cũng không ngoại lệ. Mặc dù việc nuôi toàn bộ động vật để sau đó giết thịt chỉ để lấy một vài bộ phận rõ ràng là không lý tưởng, nhưng hệ thống này đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ. Do đó, việc thay thế nó có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Theo Giám đốc điều hành Mihir Pershad của Umami, ông muốn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm vì mùi vị và những gì nó có thể làm cho thế giới và môi trường hành tinh này, mà không cần quan tâm đến giá thành của nó.

Tuy nhiên, ông Mihir Pershad cho rằng, đó là một suy nghĩ hay, nhưng hơi phi thực tế, đặc biệt là trong thời điểm lạm phát cao và thị trường bất ổn như hiện nay. Chỉ có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có đủ khả năng lựa chọn sản phẩm dựa trên tác động môi trường và phần còn lại chọn dựa trên giá cả.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Arik Kaufman của Steakholder Foods lại rất lạc quan. Ông nói rằng, theo thời gian, mức độ phức tạp của những sản phẩm này sẽ cao hơn và giá liên quan đến việc sản xuất chúng sẽ giảm xuống.

Quy trình tạo ra phi lê cá sạch sẽ, minh bạch. Sản phẩm cuối cùng không chứa kháng sinh và ông cho rằng trong tương lai, mọi người sẽ hiểu được lợi ích sức khỏe của các sản phẩm thịt nuôi trồng này.

Umami đã hoàn thiện quy trình sản xuất tế bào cá mú và lươn, đồng thời muốn bổ sung thêm 3 loài nữa vào danh sách trong năm nay. Công ty hy vọng sẽ đưa những sản phẩm đầu tiên của mình ra thị trường vào năm tới, bắt đầu ở Singapore và cuối cùng là Mỹ và Nhật Bản.

Tại một sự kiện nếm thử phi lê cá 3D tại trụ sở của Steakholder Foods ở Rehovot (Israel), đại diện Hiệp hội Nông nghiệp tế bào Nhật Bản Megumi Avigail Yoshitomi, nhận xét: “Nó thực sự rất ngon! Tôi cũng thực sự ngạc nhiên trước độ ngon ngọt và cũng như cảm giác ngậy của nó”.

Thời gian sẽ trả lời liệu phi lê cá in 3D có thể thay thế cá đánh bắt hay không. Nếu các công ty như Steakholder Foods và Umami Meats thành công trong việc biến tầm nhìn của họ thành hiện thực, con người, động vật và hành tinh của chúng ta sẽ được hưởng những điều tốt đẹp hơn.

Theo Singularityhub

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...