Bước ngoặt cuộc đời nhờ chiếc máy in 3D

GD&TĐ - Kỹ sư Guillermo Martinez luôn tò mò về thế giới in 3D. Khi mua được chiếc máy cho riêng mình vào năm 2017, anh bắt đầu làm theo các hướng dẫn trên YouTube về cách chế tạo robot và các thiết bị khác.

Tay giả do Guillermo Martinez tạo ra có thể nâng 10kg.
Tay giả do Guillermo Martinez tạo ra có thể nâng 10kg.

Tuy nhiên, ngày mà anh xem hướng dẫn về làm chân tay giả bằng máy in 3D, cuộc đời anh đã rẽ sang hướng khác.

Bước ngoặt từ một thú vui

Mỗi ngày, vào lúc 6 giờ tối, chàng trai 27 tuổi Guillermo Martinez kết thúc công việc tại Juguetronica – một cửa hàng đồ chơi ở Madrid (Tây Ban Nha) chuyên phát triển và bán đồ chơi trẻ em.

Sau đó anh bắt đầu bận rộn với các dự án khác nhau trên máy in 3D của mình. Tuy nhiên, ngày mà Martinez xem một buổi hướng dẫn làm tay giả trên YouTube đã thay đổi cuộc đời anh.

“Tôi đã học cách chế tạo robot bằng cách xem các hướng dẫn trên YouTube và ở trường đại học, nhưng bước ngoặt là khi tôi bắt đầu chế tạo các bộ phận để lắp ráp những thứ lớn hơn. Một ngày nọ, tôi tìm thấy nguyên mẫu của bàn tay giả trên Internet và tôi bắt đầu lắp ghép, theo những cách khiến tôi bật cười…” - Guillermo Martinez chia sẻ.

Đây chính là cách kỹ sư trẻ người Tây Ban Nha đi từ việc tạo ra những con robot cơ bản đến việc tạo ra toàn bộ bàn tay giả. “Tôi bắt đầu làm nhiều bộ phận tay giả bằng máy in 3D để mua vui, rồi tôi tự nghĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu nó thực sự giúp ích được ai đó?

Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi tới Kenya và tôi đã liên hệ với dự án phi chính phủ Bamba cũng như một trong những trại trẻ mồ côi hoạt động ở Kenya”, anh nói và cho biết rất nhiều người ở đây đang cần chân tay giả.

Sau đó, Guillermo Martinez nhận được nhiều thông tin từ Kenya về nhu cầu làm tay giả. “Có những việc làm hàng ngày trong cuộc sống mà chúng ta coi là hiển nhiên và không nhận ra mình may mắn thế nào. Đối với nhiều người khác, đó là một sự đấu tranh không ngừng nghỉ và đó là lý do tại sao tôi thành lập tổ chức Ayudame3D của riêng mình, dù nó còn nhỏ”, theo Martinez.

Martinez muốn làm tay giả ở Kenya nhưng có những trở ngại như nguồn tài nguyên ở đây bị hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn người Kenya sống ở mức dưới 2 USD một ngày     và khoảng 35% sống dưới mức nghèo khổ.

“Tôi muốn xem xét việc làm tay giả ở Kenya, hoặc ở một nơi khác, nhưng khi đến đó, tôi nhận ra nó không khả thi. Tôi sẽ phải dành nhiều thời gian hơn ở đó để đào tạo về in 3D. Bên cạnh đó, vật liệu dùng để làm chân tay giả không dễ kiếm ở đó, chưa nói tới thực tế là ở Kenya luôn xảy ra tình trạng mất điện” – anh cho hay.

Một phụ nữ dùng tay giả mà Martinez tạo ra.
Một phụ nữ dùng tay giả mà Martinez tạo ra.

Hướng tới mạng lưới toàn cầu

Theo mô tả của Guillermo Martinez, các thiết bị tay giả có thể thu gọn cho phép bạn nắm và giữ các vật thể nặng tới 10kg và một trong những lợi thế là chúng chỉ có giá 50 USD một chiếc.

Các thiết bị này được làm bằng nhựa và cơ chế của chúng bao gồm dây và băng cao su có độ đàn hồi cao. Khi khớp tự nhiên của một người được xoay, sự kết hợp của 2 vật trên sẽ tạo ra chuyển động đơn giản ở các ngón của tay giả.

“Tôi đã đến đó, thử các bộ phận giả và thấy rằng mọi người nhanh chóng biết cách sử dụng sau khi hiểu nó. Cảm giác thật tuyệt. Tôi đã cân nhắc việc dừng lại nhưng tôi thích cảm   giác có thể giúp được người khác, từ đó đi đến quyết định lập nên tổ chức Audame3D”, Guillermo Martinez chia sẻ

Để mở rộng hơn nữa dự án của mình, Martinez bắt đầu chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng. Anh cho biết: “Tôi đã mở một trang web để mọi người có thể ủng hộ trực tuyến.

Trang web này giới thiệu những gì dự án có thể đạt được và cách tôi muốn phát triển nó hơn nữa. Sau đó, tôi bắt đầu liên hệ với những người có thể giúp tôi, như các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư, giới truyền thông”.

Theo Martinez, nhờ phương tiện truyền thông nên ngày càng nhiều thư điện tử gửi đến mong nhận được tay giả 3D, đôi khi không phải cho họ mà cho người thân, bạn bè họ. Anh đã cung cấp tay giả trên thế giới với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một mạng lưới toàn cầu.

Bằng cách này, các bộ phận giả có thể được phân phối nhanh hơn nhiều với chi phí thấp hơn. Ngoài Ayudame3D, Martinez cũng đang thực hiện một dự án đào tạo trẻ em sử dụng công nghệ. Đó là dự án có tên Ayudame3D Kids, chuyên dạy trẻ em về in 3D.

“Chúng tôi liên hệ với các trường học và cung cấp cho mỗi lớp học một số sách hướng dẫn để giúp đào tạo các em về công nghệ mới. Cấp độ đầu tiên bao gồm việc dạy trẻ cách tạo các móc khóa có tên chúng hoặc với các hình dạng đơn giản. Mức độ khó sẽ được tăng dần cho tới khi các em tạo ra những thứ phức tạp hơn như tay giả. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ dạy cách sử dụng bàn tay 3D”.

Tất cả những thứ như thế này cần tài chính, nhưng mục tiêu cuối cùng là phát triển công nghệ mới cho trẻ em. Bên cạnh đó là quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ. Đây không phải là kế hoạch để kiếm tiền. Ayudame3D đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người và mang về cho tôi giải thưởng của Diễn đàn Thanh niên Thế giới.
Theo Business Insider

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ