Tạo ra ngày tận thế từ vũ khí hóa học

GD&TĐ - Năm 1995, một giáo phái cực đoan làm rúng động cả Nhật Bản bởi những vụ tấn công bằng khí độc, khiến nhiều người chết và hàng nghìn người bị thương.

Giáo phái Aum Shinrikyo tin vào giả thuyết về ngày tận thế.
Giáo phái Aum Shinrikyo tin vào giả thuyết về ngày tận thế.

Những triệu chứng bất thường

Nửa đêm một ngày tháng 6/1994, Sở Cảnh sát TP Matsumoto (Nhật Bản), nhận được thông báo khẩn cấp từ Cục Phòng cháy, chữa cháy thành phố về việc nhiều người dân bị thương và phải nhập viện.

Những người này sống gần một chiếc hồ trong thành phố, cảnh sát không tìm được thêm điểm chung giữa các bệnh nhân.

Ngày hôm sau, cảnh sát phát hiện xác cá, tôm nổi lềnh phềnh trên hồ. Xác chó, chim sẻ, bồ câu và số lượng lớn sâu bướm cũng được tìm thấy bên những bụi rậm ven hồ. Cây cỏ xung quanh khu vực này cũng khô héo, lá ngả vàng bất thường.

Kết quả xét nghiệm những người bị thương cho thấy họ bị nhiễm độc nghiêm trọng.

Ước tính khoảng 274 người điều trị trong bệnh viện, trong đó 7 người chết.

Qua khám nghiệm tử thi và lấy mẫu trong hồ, cảnh sát kết luận các nạn nhân đã nhiễm Sarin, một hóa chất kịch độc.

Tuy nhiên, nguồn thuốc độc hay cách thức thuốc độc được phát tán như nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Khi vụ án chưa ngã ngũ, 7 tháng sau đó, thủ đô Tokyo cũng ghi nhận tình trạng tương tự nhưng mức độ tàn phá lại kinh khủng hơn rất nhiều.

Sáng 20/3/1995, vào giờ cao điểm, một lượng lớn hành khách và nhân viên nhà ga Tokyo bị thương nặng do nhiễm độc từ một loại khí không xác định.

Nhiều người lên cơn co giật ngay trên tàu. Số khác rời tàu trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê và được đưa vào bệnh viện cấp cứu sau đó.

Hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải như thể một trận chiến vừa quét qua thủ đô.

Tokyo hỗn loạn sau vụ tấn công của giáo phái Aum Shinrikyo.

Tokyo hỗn loạn sau vụ tấn công của giáo phái Aum Shinrikyo.

Trong các bệnh viện, những người bị thương nằm la liệt trên sàn nhà, ngoài hành lang hay sảnh bệnh viện.

Các triệu chứng phổ biến gồm giảm thị lực, đau mắt, buồn nôn, co giật, tăng huyết áp, chảy máu cam...

Nhiều người kể lại họ bắt đầu cảm thấy không khỏe khi đi tàu điện ngầm. Cả ngày sau đó, họ luôn ở trong tình trạng mê man, mắt tối sầm, thậm chí mất thị lực.

Ước tính, 12 hành khách và một nhân viên nhà ga đã thiệt mạng trong sự cố bất ngờ trên. Khoảng 5.000 người khác bị thương.

Kết quả khám nghiệm tử thi gần như trùng khớp với vụ việc ở Matsumoto với chất độc được tìm thấy là Sarin.

Phối hợp với Sở Cứu hỏa thành phố, Sở Cảnh sát lập tức bắt tay vào điều tra vụ việc.

Tuyến tàu điện ngầm hôm đó bị phong tỏa.

Lực lượng điều tra trong trang phục bảo hộ đã tăng cường rà soát, thu thập các mẫu vật phẩm, bằng chứng nguy hiểm...

Kết quả điều tra cho thấy chất độc Sarin đã được giải phóng trong 5 toa tàu điện ngầm vào lúc 8h sáng.

2 vụ án xảy ra liên tiếp, đe dọa tính mạng của hàng nghìn người đã gây nên làn sóng phẫn nộ xen lẫn sợ hãi bao trùm khắp nước Nhật.

Không lâu sau, cảnh sát đã lần ra thủ phạm là giáo phái bí mật Aum Shinrikyo.

Giáo phái này thuê một nhà máy bỏ hoang tại TP Yamanashi để điều chế thuốc độc.

Do quá trình điều chế thuốc phát ra mùi hôi thối nên người dân xung quanh đã báo cảnh sát.

Cuộc khám xét quy mô lớn vào nhà máy phát hiện lượng lớn hóa chất phốt pho triclorua cùng nhiều thiết bị điều chế hóa chất nguy hiểm.

Cảnh sát còn thu thập được một số chai hóa chất hóa học bất thường trong nhà máy, cho kết quả trùng khớp với độc tố Sarin.

Hầu hết ban lãnh đạo giáo phái và những thành viên cực đoan đều bị bắt trong vòng 2 tháng sau sự việc.

Nhiều nạn nhân trong vụ tấn công tại Tokyo có triệu chứng đau mắt, nôn mửa.

Nhiều nạn nhân trong vụ tấn công tại Tokyo có triệu chứng đau mắt, nôn mửa.

Giáo phái cực đoan

Aum Shinrikyo (Chân lý tối cao) là giáo phái được thành lập bởi Shoko Asahara. Sinh năm 1955 trong một gia đình có 7 người con, Asahara tên thật là Chizuo Matsumoto.

Từ nhỏ, hắn ta đã bị mù một bên mắt trong khi mắt còn lại có thị lực rất kém.

Vì vậy, hắn ta được bố mẹ đăng ký cho theo học một trường nội trú dành cho người mù.

Cuộc đời những năm tháng tuổi trẻ của Asahara trôi qua tương đối êm ấm. Sau khi tốt nghiệp năm 1975, hắn ta hành nghề châm cứu và xoa bóp vì đây là 2 nghề truyền thống thường được truyền dạy cho người mù tại Nhật Bản.

Đến năm 1977, Asahara chuyển đến Tokyo ôn thi đại học nhưng thi trượt nên đã lấy vợ và mở phòng châm cứu tại Matsumoto. Việc kinh doanh diễn ra tương đối thuận lợi.

Asahara say sưa tìm hiểu về các thuyết tâm linh và tin vào ngày tận thế.

Hắn ta tự thành lập một giáo phái, lấy tên là Aum Shinrikyo vào năm 1984.

Hắn ta đã chế ra nhiều loại dược phẩm kỳ quái nhằm “thanh lọc” tâm hồn nhưng bị phạt 2.000 USD và phải ngồi tù thời gian ngắn.

Sau khi ra tù, Asahara quyết định bỏ nghề châm cứu và đi khắp nơi để thuyết giảng về những nguyên lý kết hợp giữa Phật giáo, Ấn Độ giáo, lời tiên tri về ngày tận thế trong Cơ đốc giáo hay bất kể điều gì mà hắn ta nghĩ ra.

Dần dần, Asahara thu nạp được nhiều thành viên cho giáo phái, những người một mực tin rằng ông ta chính là “Thượng đế” và có sức mạnh siêu nhiên.

Những bài thuyết giảng của Asahara đánh vào tâm lý xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc dành riêng cho bản thân và những người mà chúng ta yêu thương.

Cùng với Asahara, những người đi theo Aum Shinrikyo sẽ thoát khỏi ngày tận thế.

Dưới sự lãnh đạo của Asahara, giáo phái phát triển nhanh chóng với hàng chục nghìn tín đồ ở Nhật Bản và Nga.

Tuy nhiên, nhóm này cũng được biết đến với các hoạt động bí mật, độc đoán và bạo lực. Vì vậy, nhóm thường hoạt động bí mật, xa lánh thế sự.

Đến năm 1988, giáo phái lập một làng lớn dưới chân núi Phú Sĩ, bán những lọ nước thần được quảng cáo là đựng máu và nước tắm của “Thượng đế” Asahara.

Trong vài năm, Aum Shinrikyo tiếp tục thu nạp hơn 40.000 tín đồ và mở rộng hoạt động tại 6 quốc gia.

Khi đã lớn mạnh, Asahara đã nộp đơn lên chính quyền xin công nhận Aum Shinrikyo là một tổ chức tôn giáo song bị từ chối.

Đáp trả, giáo phái này đã mở chiến dịch quấy rối, chụp ảnh các văn phòng và nhà của các quan chức chính phủ; gửi thư rác, gọi điện làm phiền...

Bị từ chối, Asahara đã kích động các thành viên giáo phái Aum Shinrikyo chống đối lại xã hội bằng nhiều cách khác nhau nhưng mục tiêu của bọn chúng là “giết càng nhiều người càng tốt”.

Để làm được điều này, Aum Shinrikyo chú trọng phát triển các loại vũ khí sinh học.

Khoảng năm 1993, Aum Shinrikyo xây dựng nhà máy Satyan 7 (tiếng Phạn có nghĩa là “sự thật”) để sản xuất hóa chất quy mô lớn.

Được đầu tư khoảng 30 triệu USD, nhà máy sản xuất Sarin, Tabun, VX... những hợp chất được sử dụng làm vũ khí hóa học.

Giáo phái này cũng tiến hành thử nghiệm với độc tố thần kinh botulinum, khuẩn bệnh than, bệnh tả và sốt rét...

Trước khi nhắm vào Matsumoto và Tokyo, giáo phái Aum Shinrikyo đã thực hiện nhiều vụ tấn công đặc biệt nguy hiểm.

Giáo phái phải chịu trách nhiệm cho ít nhất 20 vụ tấn công hay các nỗ lực tấn công trong giai đoạn 1990 - 1995 và sử dụng tác nhân hóa học, sinh học.

Shoko Asahara.

Shoko Asahara.

Dự án “Ngày tận thế”

Trong vụ án Matsumoto, hồi tháng 6/1994, Aum Shinrikyo vướng vào các vụ kiện tụng thương mại.

Nghi ngờ các thẩm phán sẽ đưa ra quyết định bất lợi cho giáo phái, Asahara đã kêu gọi các thành viên tấn công họ và gia đình.

Tình cờ, các thẩm phán này sống trong một khu phố sang trọng ở Matsuomo.

Tối 27/6/1994, các thành viên Aum Shinrikyo đã tiếp cận gần khu vực các thẩm phán sinh sống và kích hoạt thiết bị bay hơi thả tự do Sarin dạng khí.

Chất độc này sau đó phân tán khắp khu phố, lan ra cả chiếc hồ gần đó khiến 8 người chết và 200 người bị thương.

Lực lượng chức năng dọn dẹp tàu điện ngầm sau sự cố khí độc.

Lực lượng chức năng dọn dẹp tàu điện ngầm sau sự cố khí độc.

Tuy nhiên, do nhiều lần thực hiện các hành vi tấn công nguy hiểm, Aum Shinrikyo đã bị cơ quan điều tra nhắm đến.

Họ dự định sẽ đột kích một cơ sở của giáo phái vào ngày 22/3/1995, nhưng Aum Shinrikyo có gián điệp trong cơ quan cảnh sát nên đã biết trước thông tin này.

Để đánh lạc hướng cảnh sát, giáo phái quyết định kích hoạt sớm “ngày tận thế”.

Vì vậy, sáng 20/3/1995, 5 thành viên Aum Shinrikyo mang theo 11 túi ni lông đựng Sarin, bọc trong giấy báo rồi bước lên tàu điện ngầm. Khi tàu di chuyển, chúng dùng vật nhọn đâm thủng túi khiến chất độc thoát ra ngoài và bao trùm khắp các toa tàu.

8 chiếc túi được chọc thủng thành công nhưng 3 chiếc khác vẫn còn nguyên vẹn được tìm thấy quanh nhà ga. Vụ tấn công vào tàu điện đã khiến 13 người thiệt mạng và 6.252 người bị thương. Nhiều người trong số này tàn tật hoặc bị mù vĩnh viễn.

Sau vụ tấn công, giới chức Nhật Bản ráo riết truy bắt Asahara cùng các thành viên băng đảng.

Đến tháng 5/1995, Asahara và các thân tín bị bắt. Các vụ truy quét vẫn tiếp tục diễn ra đến tháng 9 cùng năm với tổng số thành viên bị bắt lên tới gần 400 người.

Asahara cùng nhiều tín đồ chủ chốt trong giáo phái Aum Shinrikyo bị kết án tử hình vào ngày 6/7/2018.

Phiên tòa xét xử Asahara đã phải kéo dài hơn 10 năm do hắn ta thường có hành vi thất thường trong quá trình tố tụng.

Dù Asahara tự nhận mình mắc bệnh tâm thần phân liệt nhưng hắn vẫn không thể thoát khỏi án tử hình.

Trong một phán quyết hồi tháng 2/2004, Tòa án Tokyo nhận định: “Chúng tôi phải nói rằng động cơ và mục đích phạm tội quá vô nhân đạo và kỳ quặc khi ông cố kiểm soát nước Nhật trên danh nghĩa của sự cứu rỗi”.

Aum Shinrikyo vẫn tiếp tục hoạt động sau khi Asahara bị bắt nhưng kể từ đó, giáo phái này đã bị Chính phủ Nhật Bản kiểm soát nghiêm ngặt.

Vụ án giáo phái Aum Shinrikyo đã cho thấy mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của các loại vũ khí sinh hóa nằm trong tay của các thực thể phi nhà nước.

Sự việc đã dẫn đến nhiều thay đổi trong luật pháp và thái độ của người Nhật Bản đối với tôn giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...