Năm nay, cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học thực hiện theo quy chế mới ban hành kèm Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT, với điểm nhấn mục đích, yêu cầu là “trung thực”, “tự nguyện” và “vừa sức”. Các địa phương, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phổ biến quy chế, tổ chức đánh giá dự án dự thi, đặc biệt kỹ lưỡng trong việc chọn lựa, phân công người hướng dẫn.
Đóng vai trò quan trọng trong các dự án nghiên cứu khoa học của học sinh, người hướng dẫn sẽ định hướng, truyền cảm hứng sáng tạo, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn.
Thế nhưng thực tế thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông thời gian qua lại tồn tại những vấn đề bất cập về người hướng dẫn: Có người chạy theo thành tích dẫn đến vi phạm đạo đức học thuật, có người làm dự án để học sinh đứng tên. Thậm chí có học sinh, thầy cô còn lên “chợ online” mua các ý tưởng, đề tài, dự án để tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Tình trạng dự án trùng lặp, sao chép; dự án vượt tầm học sinh phổ thông và không có ứng dụng thực tế; dự án mang bóng dáng của những nghiên cứu hàn lâm mà chỉ nhà khoa học thực thụ mới có khả năng đảm nhiệm… đều không thể thiếu trách nhiệm của người hướng dẫn.
Để nâng cao tính trung thực, vừa sức, tự nguyện của cuộc thi khoa học kỹ thuật, quy chế mới ban hành kèm Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định người hướng dẫn nghiên cứu cho học sinh phải là “giáo viên, nhân viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học”. Trách nhiệm nhà trường cũng gắn với trách nhiệm người hướng dẫn trong quá trình nghiên cứu của học sinh. Đặc biệt, quy chế mới về cuộc thi khoa học kỹ thuật đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm.
Bên cạnh dựa vào các tiêu chí theo quy định, các trường trong quá trình xây dựng đội ngũ hướng dẫn còn lưu ý giáo viên không được chạy đua thành tích, cần để học sinh được làm những điều trong khả năng bằng chính sức mình.
Thầy cô phải cung cấp cho học sinh các hướng dẫn cụ thể về đạo đức nghiên cứu khoa học và vấn đề liên quan như vi phạm bản quyền, gian lận dữ liệu và sao chép công trình nghiên cứu của người khác. Khi phát hiện học sinh có hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu, giáo viên cần đưa ra các quyết định nghiêm khắc như: Đình chỉ dự án, từ chối hướng dẫn và báo cáo với nhà trường…
Một số địa phương còn yêu cầu giáo viên sử dụng công cụ là phần mềm để phát hiện các trường hợp sao chép nội dung, đạo ý tưởng hoặc đạo văn trong báo cáo nghiên cứu của học sinh, công bố toàn văn dự án đoạt giải lên trang web để công luận giám sát, phản biện.
Hiện, học sinh trung học ở nhiều tỉnh, thành vào giai đoạn nước rút hoàn thành các dự án dự thi cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp cơ sở, chuẩn bị hướng tới kỳ thi cấp quốc gia. Những điểm mới về người hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học theo Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, cùng sự nỗ lực từ các địa phương, nhà trường đã và đang tạo ra những hàng rào kỹ thuật quan trọng để bảo đảm chất lượng các dự án dự thi của thí sinh.
Trách nhiệm của người hướng dẫn tăng lên đồng nghĩa việc thêm cơ chế bảo đảm tính “trung thực”, “tự nguyện” và “vừa sức” của các dự án, góp phần để cuộc thi khoa học kỹ thuật thực sự là sân chơi lành mạnh, khuyến khích sự năng động, sáng tạo trong học sinh.