Một trong những nguyên nhân, theo giảng viên Trương Thị Thúy (Khoa tiếng Pháp - Trường ĐHSP Hà Nội) là việc tạo nhóm. Những câu hỏi thường xuyên được giáo viên đặt ra đó là:
Những cách thức nào nhóm học sinh với nhau? Số lượng thành viên lý tưởng trong 1 nhóm là bao nhiêu? Và khi bắt đầu tạo nhóm thì làm thế nào để đảm bảo nhóm hoạt động hiệu quả?
Giảng viên Trương Thị Thúy khẳng định, có nhiều cách thức nhóm khác nhau và thay đổi tùy theo loại hoạt động được tổ chức trong lớp học.
Nhưng về cơ bản, có hai cách thức tạo nhóm lớn, là tạo nhóm theo quan hệ tương đồng và tạo nhóm theo quan hệ ngẫu nhiên, đồng thời phân tích cụ thể các ưu, nhược của từng cách tạo nhóm này.
Tạo nhóm theo quan hệ tương đồng
Hình thức tạo nhóm theo quan hệ tương đồng, theo giảng viên Trương Thị Thúy là việc học sinh có thể tự tạo nhóm dựa trên sự tương đồng về hứng thú gắn với chủ đề nào đó hoặc sự gần gũi gắn với các yếu tố xã hội (như là bạn cùng chơi, bạn cùng tỉnh…).
Tuy nhiên, nhóm do ngượì học tự tạo hoạt động thường kém hiệu quả vì người học thường có xu hướng chọn người cùng nhóm dựa trên quan hệ tình cảm mà không tính đến các yếu tố về năng lực, kỹ năng.
Học sinh học theo nhóm này sẽ rất hào hứng, tuy nhiên lại hiếm có cơ hội được tương tác với các học sinh thuộc loại khác.
Ngoài ra, khi giáo viên để học sinh tự tạo nhóm, cũng có xu hướng là học sinh tự chọn những bạn có trình độ khá đồng đều với mình.
Như vậy, sẽ có những nhóm toàn học sinh khá giỏi, mục đích học tập sẽ bị đặt ra sau mục đích thành tích và sẽ không có hoạt động học tập thực sự.
Ngoài ra, nếu để học sinh có thói quen tự lập nhóm, lúc nào đó, giáo viên muốn thực hiện cách tạo nhóm khác sẽ rất khó khăn, nếu chấp nhận, học sinh cũng sẽ có thái độ miễn cưỡng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động nhóm.
Nhóm với người ngồi gần
Hình thức nhóm này là giáo viên để cho học sinh tạo nhóm với những bạn ngồi gần trong lớp.
Nhóm có ưu điểm là tất cả các học sinh đều dễ dàng hình thành được nhóm mà không phải gặp các trở ngại từ các mối quan hệ tương đồng.
Ngoài ra, giáo viên cũng nhanh chóng tạo được các nhóm mà vẫn có thể có được sự không đồng nhất về trình độ giữa các thành viên trong nhóm; tránh được hiện tượng học sinh di chuyển lộn xộn, ồn ào để tạo nhóm.
Tuy nhiên, loại hình nhóm trên chỉ nên được áp dụng đối với các hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn nhằm mục đích để học sinh so sánh hoặc kiểm tra kết quả bài tập với nhau, trao đổi thêm thông tin và hỗ trợ tức thời cho nhau.
Chẳng hạn, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh thảo luận với bạn ngồi cạnh để cùng đưa ra lời giải thích, sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh đó lắng nghe lời giải thích của bạn ngồi kề bên.
Tạo nhóm ngẫu nhiên
Hình thức nhóm này theo đúng tên gọi là các nhóm được tạo thành hoàn toàn ngẫu nhiên. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng những lá bài để tạo nhóm.
Sau khi phát ngẫu nhiên các lá bài cho học sinh, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh ngồi theo các nhóm có các lá bài cơ, bài chuồn, bài rô, bích. Hoặc, giáo viên cũng có thể đưa cho học sinh những mảnh giấy màu để tạo thành các nhóm gồm các thành viên có cùng màu giấy…
Việc tạo thành các nhóm ngẫu nhiên sẽ tạo cho học sinh thói quen làm việc với những thành viên khác nhau. Giống như thực tế khi đi làm, hiếm khi người ta có cơ hội lựa chọn người cùng làm.
Cách tạo nhóm này, do đó, tạo cho người học kỹ năng thực tế xã hội như sự khoan dung, sự tôn trọng và đề cao sự khác biệt.
Ngoài ra, sẽ không có thành viên nào có cảm giác bị loại bỏ. Cuối cùng, cách này còn cho phép dễ dàng thay đổi số lượng thành viên trong 1 nhóm mà vẫn đảm bảo được tổng số học sinh trong lớp học.
Cách tạo nhóm này sẽ rất hiệu quả khi trong thời gian đầu, học sinh bắt đầu làm quen với nhau. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với những hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn như ôn tập, động não… và thường mất nhiều thời gian, gây ồn ào vì phải di chuyển.
Tạo nhóm dựa trên sự không đồng nhất về trình độ
Cách tạo nhóm này cho phép học sinh giỏi được đóng vai trò gia sư cho học sinh kém và tác động tốt cho cả hai đối tượng.
Tuy nhiên, cần tránh việc quá chênh lệch về trình độ giữa các thành viên trong nhóm vì điều đó có thể dẫn đến việc trong nhóm sẽ hình thành những nhóm nhỏ của học sinh kém và việc học tập theo nhóm sẽ biến thành một giờ dạy phụ đạo.
Đối với hình thức này, giáo viên có thể tạo nhóm trong khoảng thời gian kéo dài từ 2 tuần cho tới 1 học kỳ. Tuy nhiên, nên cố gắng cố định nhóm trong ít nhất nửa học kỳ.
Khi những thành viên trong nhóm được làm việc cùng nhau từ đầu khóa học cho tới ít nhất nửa học kỳ, giáo viên sẽ không phải mất nhiều thời gian cho việc tạo nhóm nữa và không phải lo lắng về những ồn ào của lớp học.
Học sinh cũng không còn phải cố gắng để thích nghi với các phong cách làm việc khác nhau của bạn cùng nhóm, vốn là hạn chế khi giáo viên thường xuyên thay đổi các nhóm.
Để tạo nhóm không đồng nhất, một mặt giáo viên cần biết được sĩ số lớp mình sẽ dạy, mặt khác nên tập hợp các thông tin có giá trị về người học như kết quả học tập, khả năng ngôn ngữ, phong cách học tập, giới tỉnh…
Những thông tin này sẽ là những chỉ số có ích cho giáo viên khi tạo các nhóm không đồng nhất.
Dù có nhiều tiêu chí, nhưng kết qủa học tập và giới tính vẫn là 2 tiêu chí cơ bản, thường xuyên được sử dụng nhất nhờ vào sự đơn giản và hiệu quả của 2 tiêu chí này đem lại.
Số lượng thành viên
Con số lý tưởng các thành viên để hình thành nên 1 nhóm là 4 người. Kinh nghiệm cho thấy, các nhóm gồm 5 hay 6 thành viên thường có xu hướng tách thành các nhóm nhỏ hơn trong nhóm.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu là nhóm 2 người thì các thành viên sẽ dễ dàng trao đổi với nhau và rất phù hợp khi nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, nhóm 2 có thể dễ dàng hình thành nên nhóm 4 người bằng cách ghép 2 nhóm lại với nhau. Với nhóm 3 người có thể sẽ gặp phải vấn đề là xu hướng cô lập đối với người thứ 3.
Phân vai
Trong giai đoạn đầu làm việc nhóm, giáo viên có thể thiết lập danh sách vai cho các thành viên và cách thành viên trong nhóm sẽ thống nhất về nhiệm vụ mà mỗi vai cần đảm nhiệm.
Danh sách này sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên. Giáo viên sẽ yêu cầu nhóm nộp lại bản danh sách kèm nhiệm vụ cụ thể của từng vai say khi đã có sự thống nhất, nhất trí giữa các thành viên trong nhóm để làm cơ sở theo dõi việc đảm nhận vai trò của các thành viên khi làm việc chung.
Có thể ví dụ:
Vai trò | Chức năng | Người phụ trách |
Hoạt náo | Điều tiết các lượt lời trong nhóm để đảm bảo mọi thành viên đều lần lượt được nói và thể hiện quan điểm của mình. | |
Khuyến khích các thành viên của nhóm nên ý kiến và giúp đỡ các thành viên khác. | ||
Chú ý đảm bảo là nhóm không quá ồn ảnh hưởng đến các nhóm khác. | ||
Đảm bảo rằng nhóm tôn trọng thời gian được quy định để thực hiện nhiệm vụ được giao ở các giai đoạn. | ||
Thẩm định | Quan sát các thành viên trong nhóm để đảm bảo tất cả đều hiểu yêu cầu nhiệm vụ được giao cũng như hiểu ý kiến các thành viên khác. | |
Chỉ định vai cho các thành viên trong nhóm. | ||
Chịu trách nhiệm tra cứu về tính chính xác của các từ, cụm từ, thuật ngữ. | ||
Đảm bảo các thành viên đều đồng tình với việc lựa chọn một câu trả lời nào đó trong nhóm. | ||
Thư ký | Ghi chép tất cả các câu trả lời, các ý kiến đề xuất của nhóm. | |
Thông báo về kết quả làm việc của nhóm khi cần thiết. | ||
Quan sát viên | Quan sát cách thức diễn ra các trao đổi trong nhóm để đánh giá sự tham gia của các thành viên; điền vào phiếu tự đánh giá được giáo viên phát để có thể hiểu rõ hơn về những khó khăn của nhóm trong quá trình hoạt động và định hướng ý tưởng để nhóm hoạt động hiệu quả hơn. |
Cuối cùng, để tạo được sự phụ thuộc tích cực, trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và tinh thần hợp tác giữa các thành viên, giáo viên không chỉ phân vai trò của từng thành viên trong quá trình hoạt động mà còn phải nghĩ tới việc phân vai trò của từng thành viên gắn với hoạt động cần thực hiện.
Việc phân vai gắn với hoạt động, đó là việc nhiệm vụ được chia ra thành những nội dung nhỏ hơn và mỗi thành viên của nhóm phải phụ trách một phần việc đó và không thành viên nào khác trong nhóm cùng phụ trách.
Các thành viên trong nhóm sẽ thực hiện việc thống nhất, tổng hợp sau khi tất cả cá nhân hoàn thành phần việc của mình.
Bằng việc dành thời gian cho phần việc của mỗi cá nhân, giáo viên sẽ cho phép người học có thời gian suy nghĩ về phần việc của mình.
Tất nhiên, vai trò thuộc loại này không thể cố định mà sẽ thay đổi tùy theo nhiệm vụ nhóm được giao. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cần đảm bảo có sự tham gia của tất cả các thành viên để cùng hoàn thành nhiệm vụ…