Cách tốt nhất để dạy con cái thành người tốt là thực hiện qua những ví dụ cụ thể. (Ảnh: geniebird/iStock)
“Cách cư xử là sự nhận thức nhạy cảm về cảm giác của người khác. Nếu bạn ý thức được điều đó bạn sẽ có những cách cư xử đúng đắn, cho dù bạn sử dụng cách nào đi chăng nữa” – Emily Post.
Dưới đây là 10 bài học cơ bản mà các bậc phụ huynh có thể dạy cho con cái mình, giúp chúng hiểu được sự cần thiết để trở thành những con người lịch sự.
1. Xin vui lòng. Cảm ơn. Xin lỗi.
Bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ – không quá khó để khiến cả những em bé ít tuổi nhất cũng có thể có được thói quen sử dụng cụm từ “xin vui lòng” trong những câu đề nghị, “cảm ơn” khi nhận được bất kỳ điều gì, và “xin lỗi” khi gây ra bất kỳ việc gì.
Điểm mấu chốt để phát triển thói quen này ở trẻ chỉ đơn giản là luôn nhẹ nhàng nhắc nhở chúng sử dụng những “từ ngữ kỳ diệu” này cho tới khi chúng có thể tự mình nhớ được điều đó.
2. Bày tỏ sự tôn trọng trong khi trò chuyện
(Ảnh: BabyCenter)
Khi trẻ đủ lớn để tham gia vào các cuộc trò chuyện, chúng cần được dạy cách tôn trọng những người mà mình đối thoại bằng cách dành cho họ sự chú tâm hoàn toàn và luôn duy trì việc trao đổi qua ánh mắt.
Trẻ cần được dạy để xưng hô phù hợp với người lớn (chẳng hạn “Bà Smith” hoặc “Tiến sỹ Jones”). Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách nói với chúng những câu như “Con có nhớ Bà Smith không?” như một cách giới thiệu. Những kỹ năng này có thể được giải thích và dạy dỗ thông qua việc làm mẫu ở nhà.
3. Không ngắt lời người khác
Có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để trẻ học được tính kiên nhẫn, nhưng một cách để thường xuyên luyện tập đức tính này đó là dạy trẻ không được ngắt lời người khác, tất nhiên là trừ những trường hợp khẩn cấp.
Các em bé cũng có thể hiểu được rằng khi có nhiều người cùng tham gia trò chuyện thì việc dừng lời ai đó để chúng có thể nói điều mình muốn là một việc làm không tốt hoặc thiếu tôn trọng mọi người. Tất nhiên, trong trường hợp cần phải ngắt lời người khác thì cần phải dạy bọn trẻ nói “xin lỗi”.
4. Luôn lắng nghe
(Ảnh: BonbonBreak)
Dựa trên các tiêu chí về tính kiên nhẫn và sự tử tế, chúng ta có thể dạy bọn trẻ (khi chúng trưởng thành) một kỹ năng rất cần thiết, được xem là biểu hiện của cách cư xử tốt, đó là kỹ năng lắng nghe. Với việc dành sự tôn trọng cho ai đó mà chúng trò chuyện, bọn trẻ có thể đồng thời làm được một việc khác là không ngắt lời để thực sự lắng nghe, với mục đích là hiểu rõ điều đang được nói tới.
5. Sự tử tế
Tất nhiên, chỉ riêng thái độ tử tế là một điều rất quan trọng để có được cách cư xử tốt. Thông qua Bambi và người bạn thỏ đáng yêu của cậu – Thumber (nhân vật hoạt hình của hãng phim Disney), bọn trẻ nhận được một thông điệp đơn giản đó là: “Nếu bạn không thể nói điều gì đó tử tế, thì tốt nhất là không nên nói gì cả”.
6. Thái độ trong thời đại kỹ thuật số
Việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số mang lại một kiểu phép tắc hoàn toàn mới. Nếu các bậc phụ huynh luôn giữ vững quan niệm về việc tôn trọng người khác thì việc đúng và sai sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng.
Nhìn điện thoại khi nói chuyện, một thói quen xấu dễ mắc ở trẻ nhỏ. (Ảnh: Boston Globe)
Nhìn vào điện thoại khi đang trò chuyện? Sai. Chia sẻ hình ảnh với bạn bè xung quanh? Đúng. Lấy iPad ra dùng khi đang ở trong nhà hàng? Sai. Tra cứu câu trả lời cho câu hỏi mà tất cả mọi người có mặt ở đó đều muốn được giải đáp? Đúng.
7. Luôn sẵn lòng giúp đỡ
Ngay cả khi chỉ là khách mời tới nhà ai đó, là một người tham dự trong cuộc thảo luận, là một học sinh trong lớp học, hay một người bán hàng tại cửa hàng, bạn vẫn luôn có thể quan tâm tới người khác và trở thành một người khiến cho mọi thứ dễ dàng hơn.
Nếu chúng ta có thể khiến bọn trẻ hiểu thấu điều này, chắc chắn chúng sẽ trở thành những người lịch sự. Chẳng hạn, khi làm khách ở nhà ai đó, cuối buổi họ sẽ dọn dẹp và cần sự giúp đỡ. Hay nếu là học sinh trong lớp học thì cần phải tuân thủ các quy tắc và nên giúp đỡ giáo viên và các bạn học của mình.
8. Khoan dung và tôn trọng người khác
Đối với bọn trẻ, không bao giờ là quá bé để bày tỏ sự khoan dung và tôn trọng người khác – đó là những dấu hiệu thực sự của sự tử tế. “Kiểm nghiệm thực tế đối với những thái độ cư xử tốt đó là có thể vui vẻ bỏ qua những kiểu cư xử tồi” – Kahlil Gibr.
9. Khen ngợi những thái độ cư xử tốt
Khích lệ một cách tích cực là công cụ quan trọng để dạy bọn trẻ bất kỳ điều gì. Nếu con bạn có những thói quen tốt và thường xuyên có biểu hiện cư xử tốt, hãy khích lệ thêm thành công của chúng bằng những lời khen ngợi. Hãy để ý khi các con bạn cư xử tốt và có thái độ tử tế và nói cho chúng biết rằng bạn rất tự hào về chúng.
10. Chính bạn phải là tấm gương cho con cái
Có lẽ cách hiệu quả nhất để dạy lũ trẻ về cách cư xử đúng đắn là bản thân các bậc cha mẹ phải là những người hành xử đúng đắn. “Việc khó nhất mà bọn trẻ phải đối mặt ngày nay là học cách cư xử tốt mà không nhìn vào bất cứ điều gì” – Fred Astaire.
Có thể bạn cũng biết rõ rằng trẻ em học tập hành vi cư xử của cha mẹ chúng. Nếu đây là điều mà bạn có thể sử dụng để cải thiện mọi thứ, hãy nỗ lực mang lại một sự thay đổi tích cực mà cả bạn và con cái bạn đều sẽ nhận được lợi ích từ việc đó.