Tạo môi trường cho hệ sinh thái khởi nghiệp

GD&TĐ - Trong những năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách khuyến khích và thúc đẩy để môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam trở nên khởi sắc mạnh mẽ.

Tạo môi trường cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Tuy nhiên, trước những thách thức mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn rất cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp đào tạo... cùng sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời từ Nhà nước và xã hội để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Thiếu kết nối và bỏ ngỏ thị trường

Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo, dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới. Đặc điểm của loại hình này là ý tưởng sáng tạo phong phú, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công khá thấp. Theo thống kê, cứ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 90 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động. Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh...

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ rằng, họ rất cần những hỗ trợ ban đầu về dịch vụ, tài chính để biến ý tưởng thành mô hình, sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, thủ tục còn phức tạp, chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, các quy định về đầu tư mạo hiểm vốn là thành phần cốt yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa rõ nét...

Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ công nghệ cao (Khu CN cao Hòa Lạc - Hà Nội) Phùng Công Định cho biết: Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khởi nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại mong muốn đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu nhưng đang bị bỏ ngỏ như: Công nghệ sinh học, nông nghiệp, vật liệu... Vì vậy, cần phải có một kênh kết nối giữa cung và cầu, nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư gặp gỡ, hiểu được mong muốn để có những dự án phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.

Có cùng quan điểm, ông Huỳnh Kim Tước - Sở KH&CN TP HCM cho rằng: Nhà nước nên đóng vai trò kiến tạo, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào những gì thị trường đang thiếu và yếu. Kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh là xây dựng khung tổng thể để từ đó đưa ra những bài toán cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp làm, qua đó phát huy nguồn lực của cộng đồng.

Hoàn thiện thể chế và cải cách đào tạo

Theo ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam: Bài học của các quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ và thành công cho thấy, yếu tố quan trọng hàng đầu là tinh thần kinh doanh khởi nghiệp của chính các thủ lĩnh quốc gia, của bộ máy Nhà nước với tinh thần phụng sự quốc gia.

Với những giải pháp chung mà chính phủ đã đưa ra mang tính chiến lược và làm động lực phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, ông Đàm Quang Thắng đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể về chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tự do, mà trọng tâm là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đề xuất cải cách hệ thống đào tạo... gọi mời các doanh nhân đã thành công giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khởi nghiệp cho những doanh nhân tương lai khi bắt đầu khởi nghiệp.

Từ góc độ đào tạo, thầy Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội nêu quan điểm: Để khởi nghiệp tạo ra hướng đi đúng đắn và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt cần chú ý đến giáo dục khởi nghiệp, nhằm đào tạo ra những con người có phẩm chất và năng lực tạo dựng doanh nghiệp như tinh thần đổi mới, tư duy sáng tạo, tinh thần mạo hiểm, năng lực giao tiếp, những tri thức về khoa học công nghệ, đạo đức kinh doanh...

Muốn có năng lực khởi nghiệp, học sinh sinh viên cần phải được đào tạo sâu rộng về chuyên ngành, có vốn tri thức phong phú, năng động, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro và luôn luôn học hỏi để vươn lên, vượt qua chính mình.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 có hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Tuy nhiên, cũng trong năm nay, có tới gần 12.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 3.000 doanh nghiệp so với năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ