Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị tại Hà Nội còn có Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại diện cán bộ khoa học trong cả nước.
Đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự hội nghị.
Trong phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về khoa học công nghệ; trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân dân, như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, viễn thông, công nghệ tài chính, dịch vụ... để nhân dân được hưởng thành tựu khoa học, công nghệ tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có các cơ chế, chính sách phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; nhất là chính sách tài chính để xử lý những bất cập, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, đặt niềm tin và chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ để tạo không gian rộng hơn, cởi mở hơn cho hoạt động đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp khoa học của nước nhà.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, môi trường làm việc để thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để góp phần xây dựng đất nước, đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quán triệt tất cả các chủ trương, định hướng phát triển khoa học, công nghệ đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII đến từng hội viên để thống nhất tư tưởng và hành động, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa có hiệu quả.
Liên hiệp Hội cần coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - tri thức; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biến chủng mới, Thủ tướng nhấn mạnh đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm khoa học và công nghệ phòng, chống dịch, phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu một số vấn đề mang tính chiến lược của đất nước như: Tổ chức tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; vấn đề khai thác nguồn lực từ sức mạnh đoàn kết dân tộc, lịch sử văn hóa; vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; các vấn đề về già hóa dân số, phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số... Đặc biệt là những vấn đề bấp bách, bất ngờ trước mắt như phòng, chống Covid-19, phát triển vắc xin, công nghiệp dược...
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hội cần có giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo; bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đồng thời, đẩy mạnh việc đánh giá độc lập và giám sát kết quả; tăng cường dân chủ, cầu thị, khiêm tốn, chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, nhất là những ý kiến phát biểu phản biện, trái chiều để có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi và có hiệu quả nhất.
Thủ tướng khẳng định, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, có chế độ trọng dụng, đãi ngộ phù hợp…