Nhiều hoạt động ý nghĩa chào xuân
Ngày 3/2, hơn 2,3 triệu học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Để tạo không khí phấn khởi trong ngày đầu năm mới, các nhà trường đều tổ chức các hoạt động sôi động đón học sinh như: Sinh hoạt dưới cờ mừng Đảng mừng xuân, lì xì đầu năm, liên hoan văn nghệ, khai bút đầu xuân.
Cô Nguyễn Thị Bình Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Trong ngày đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh đi học tương đối đầy đủ. Các hoạt động dạy và học và chăm sóc bán trú được tổ chức trở lại như bình thường.
Nhà trường chuẩn bị chu đáo để tạo thuận lợi, tạo sự phấn khởi cho học sinh. Từ việc sửa sang cơ sở vật chất đến việc tổ chức các hoạt động chào mừng, tất cả đều được thực hiện một cách đẹp mắt và hiệu quả. Các phòng học được vệ sinh sạch sẽ, trang trí thêm những hình ảnh về mùa xuân, tạo cảm giác tươi mới, phấn khởi cho học sinh khi trở lại học tập.
Học sinh hân hoan đến trường, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ. Nhiều em còn được cha mẹ chuẩn bị cho những chiếc áo dài truyền thống để thêm phần duyên dáng, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của ngày đầu năm mới. Lễ chào cờ đầu tuần diễn ra như thường lệ. Bài quốc ca vang lên, ai cũng thấy thật tự hào và thêm yêu quý quê hương đất nước, mái trường thân yêu.
Sau nhiều ngày nghỉ Tết, việc gặp lại bạn bè là điều mà các em mong đợi nhất. Các em kể cho nhau nghe những câu chuyện vui vẻ, về những chuyến đi chơi, những món quà Tết... Việc giao lưu giữa các em góp phần tạo nên một không khí thân thiện và hòa đồng.
Các em học sinh cùng nhau chuẩn bị cho những hoạt động học tập sắp tới với tâm trạng phấn khởi và tràn đầy năng lượng. Không khí vui tươi lan tỏa khắp nơi, tiếng cười nói râm ran, các em cùng nhau chụp hình lưu niệm để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày đầu năm mới.
Một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày đầu năm mới chính là tục lệ mừng tuổi. Đối với các em học sinh Tiểu học, việc nhận lì xì không chỉ mang lại niềm vui về vật chất mà còn là ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Các em nhận được những phong bao lì xì từ cô giáo, chứa đựng tình yêu thương và hy vọng cho một năm mới tràn đầy may mắn.
Thông qua những hoạt động này, các em học sinh cũng dần hiểu được ý nghĩa của việc lưu giữ kỷ niệm. Những bức ảnh, những tấm thiệp sẽ mang theo những câu chuyện, những cảm xúc mà các em đã trải qua cùng nhau. Điều này sẽ giúp các em xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển cảm xúc và tinh thần trong tương lai.
Không khí học tập nghiêm túc trở lại
Sau những ngày vui vẻ đón Tết, không khí học tập nghiêm túc trở lại. Đây là lúc để các em ổn định tâm lý, chuẩn bị cho những nội dung học tập mới.
Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ thường được coi là thời gian để các em lấy lại nhịp độ học tập. Các giáo viên yêu cầu học sinh nhanh chóng ổn định tư thế ngồi học, sắp xếp bàn ghế gọn gàng, chuẩn bị cho những bài học tiếp theo.
Theo cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long, việc duy trì nề nếp ngay từ đầu sẽ giúp các em hình thành thói quen tốt trong quá trình học tập. Điều này không chỉ giúp các em tập trung hơn mà còn tạo điều kiện tốt cho việc tiếp thu kiến thức.
Trong giờ học, giáo viên khéo léo lồng ghép những nội dung học tập vào trong không khí vui tươi của ngày đầu năm mới, nhằm tạo cảm hứng cho học sinh. Những bài học về lịch sử, văn hóa Tết thường được đưa vào giảng dạy, giúp các em hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc. Sự kết hợp này giúp các em cảm thấy học tập không chỉ là bổn phận mà còn là một phần thú vị của cuộc sống.
Trong ngày đầu tiên trở lại trường sau Tết, thời tiết Hà Nội trở rét. Tuy nhiên, ghi nhận tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, số học sinh đến trường đạt trên 90%. Trong tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết của cô trò lớp 5A3, cô giáo đã linh hoạt tổ chức hoạt động tạo hứng khởi đầu năm, giúp học sinh sớm bắt nhịp trở lại để học tập hiệu quả.
Bùi Hải Minh, học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Thời gian nghỉ Tết, con được đi chơi nhiều nơi, được sum vầy bên gia đình, được về quê thăm ông bà. Đã hết ngày nghỉ Tết, con mong được đến trường để tiếp tục học tập và vui chơi cùng các bạn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) cho hay: "Ngày đầu tiên đi học, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh ăn bán trú để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của cha mẹ học sinh yên tâm khi gửi gắm con em tại trường".
Năm mới 2025 cũng là năm rất quan trọng đối với các học sinh lớp 9, lớp 12 vì đây là năm cuối cấp, các em chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, các trường đều chủ động kế hoạch để học sinh ổn định nề nếp và bắt nhịp ngay với việc học sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Trang Công Nam Anh, học sinh Trường THPT Trương Định cho biết: "Vừa mới trải qua một kỳ nghỉ Tết dài, các bạn cũng dần quen với nếp nghỉ, thế nên vẫn chưa kịp vào lại khuôn khổ của khung giờ học. Nhưng đối với lớp em, các bạn đến lớp vẫn rất đúng giờ và đầy đủ.
Để học sinh dần ổn định tập trung vào việc học, các trường và giáo viên đã lên kế hoạch dạy học linh hoạt, xen kẽ các hoạt động ôn tập nhẹ nhàng để giúp các em lấy lại tinh thần tích cực, vui vẻ, thích ứng ngay với việc học tập sau Tết. Công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú cũng được chú trọng".
Sau kỳ nghỉ Tết, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường nhanh chóng ổn định nề nếp dạy học ngay trong những ngày đầu năm mới, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh.