Lì xì bằng điểm số
Ngày 15/2, thầy trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) đã trở lại trường học và nhanh chóng ổn định nền nếp ngay trong buổi đầu đến trường.
Tạo khí thế hào hứng cho học sinh bắt nhịp với việc học sau thời gian nghỉ dài, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, cô và trò cùng mở đầu tiết học bằng trò chơi “Lì xì ngày xuân”.
Mỗi bao lì xì chứa đựng một thông điệp mà giáo viên muốn gửi gắm tới học trò. Trò chơi vừa có thể kiểm tra bài cũ, vừa tạo không khí vui vẻ, lại còn giúp cô và trò gần gũi, thân thiện với nhau hơn.
“Cách làm của tôi là lồng ghép trò chơi với kiến thức học để các em vừa tiếp thu được kiến thức, vừa vui chơi, vừa có điểm cô giáo “lì xì”.
Với những kiến thức mới trong bài học, tôi yêu cầu học sinh đọc sách thật kỹ, trả lời câu hỏi hoặc lên bảng hoàn thiện đề cương với mức độ hiểu. Có thể nói, buổi học đầu sau nghỉ Tết diễn ra trong không khí vui tươi, thoải mái. Cả cô và trò đều tạo cho nhau những động lực tốt. Cảm giác tiết học trôi thật nhanh...
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng để tạo động lực và định hướng đúng mục tiêu trong năm học, thầy cô cần tiếp tục điều chỉnh, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, tăng tính tương tác. Cùng đó, tổ chức nhiều hoạt động mới giúp khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Thu cho hay.
Ngoài ra, theo cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên có thể có các giải pháp khích lệ tinh thần khác, tạo hứng thú cho học sinh. Có thể bằng những phần quà nhỏ để động viên khi các em có tinh thần xung phong, trả lời tốt câu hỏi. Tùy nội dung bài học, thầy cô có thể đưa ra những câu hỏi kiến thức về ngày Tết, dẫn vào bài dạy để đỡ nhàm chán, tạo nên cảm giác hứng thú với tiết học.
Cũng có cách làm tương tự, vào tiết học đầu tiên, mỗi thầy cô chủ nhiệm Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) sẽ có cách lì xì đầu năm riêng. Có thầy cô chuẩn bị những câu đố vui và “lì xì” nếu bạn nào trả lời đúng. Có thầy cô sẽ hát tặng lớp hoặc tổ chức những trò chơi vui…
“Tiết học đầu tiên, tôi sẽ đưa ra những câu đố vui về phong tục tập quán, những di tích lịch sự, lễ hội… hoặc sự kiện được tổ chức trong dịp Tết của huyện Quan Sơn và có những món quà “lì xì” cho học sinh đầu năm. Tổ chức cho các bạn nam hát chúc mừng các bạn nữ và ngược lại.
Đặc biệt, trước khi nghỉ Tết, tôi đã yêu cầu học sinh suy nghĩ về câu chúc Tết và cho lớp bỏ phiếu chọn câu chúc Tết hay, ý nghĩa nhất. Phần thưởng là được miễn làm trực nhật cho đến hết năm học”, cô Lộc Thị Tuyệt, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ.
Giáo viên Trường THPT Quan Sơn đến tặng quà học sinh trong dị Tết. |
Nhiều cách thức tạo hứng thú cho học sinh
Để giúp học sinh có tâm thế tốt nhất sau nghỉ Tết, giáo viên, nhà trường có kế hoạch chu đáo từ trước Tết.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, cách làm của Trường THPT Quan Sơn là yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh, học sinh trước, trong và sau dịp nghỉ Tết.
Trước khi đi học trở lại, giáo viên chủ nhiệm thông tin đến phụ huynh, học sinh thông qua nhóm Zalo lớp, tin nhắn Vnedu để nắm được thông tin về lịch học trở lại.
Qua đây, thầy cô cũng nắm bắt tình hình học sinh của lớp mình (học sinh vi phạm an toàn giao thông trong dịp Tết; học sinh đang đi ăn tết xa nhà chưa kịp về học; học sinh bị ốm…) để báo cáo Ban giám hiệu.
Dù 19/2 học sinh mới đi học trở lại nhưng từ 15/2, cán bộ, giáo viên Trường THPT Quan Sơn đã trở lại làm việc. Ngày đầu tiên, nhà trường tổ chức họp, đưa ra giải pháp giúp học sinh ổn định nền nếp sau nghỉ Tết; đưa giải pháp nâng cao chất lượng đại trà; đặc biệt đối với học sinh lớp 12 - lứa học sinh cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình 2006.
Ngày 16/2, nhà trường tổ chức Tết trồng cây. Ngày 17/2, các tổ nhóm chuyên môn họp, phân tích kết quả đạt được trong thời gian qua, những hạn chế, nguyên nhân; từ đó đưa giải pháp điều chỉnh cụ thể, phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt được chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Sau dịp Tết, hằng năm nhà trường luôn tổ chức giải bóng đá nam thường niên “Hoa ban trắng” cho học sinh. Lễ khai mạc được tổ chức vào chiều 19/2 - ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết. Học sinh nào vắng học không lý do, vi phạm nền nếp sẽ không được tham gia vào đội bóng và chịu hình thức kỷ luật của lớp.
Giáo viên bộ môn cũng có ưu tiên đối với học sinh đi học đầy đủ, thực hiện tốt nền nếp sau tết như: được cộng thêm điểm vào bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên; được làm bài kiểm tra hoặc lên bảng làm bài để nâng điểm đối với điểm thường xuyên nào đó đang thấp…
“Với sự phối hợp giữa chuyên môn, đoàn thanh niên và giáo viên thì học sinh sẽ sớm ổn định và hào hứng trở lại học tập sau dịp nghỉ tết. Trong 3 năm gần đây, vào ngày đầu tựu trường học sinh đều đi học đạt từ 95%-98%”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.
Còn theo cô Nguyễn Thị Thu, để học sinh nhanh chóng ổn định nền nếp học sau kì nghỉ Tết, trước đó giáo viên đã gửi lời chúc mừng năm mới trên nhóm zalo và phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở các em chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập chu đáo, đầy đủ cho buổi học đầu năm.
Trước nghỉ Tết, nhà trường đã tổ chức hoạt động thiện nguyện “Hội chợ nhân ái” thu hút sự tham gia của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và toàn thể học sinh trong và ngoài nhà trường. Số tiền thu được từ hoạt động dùng để giúp đỡ trẻ em vùng cao. Đây là cách giáo dục đạo đức, kỹ năng rất hiệu quả, đồng thời góp phần giúp học sinh ý thức tránh những hoạt động thiếu lành mạnh.
Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều học sinh có thói quen dậy muộn. Chính vì vậy, đi học lại sau kỳ nghỉ, học sinh thường không tránh khỏi buồn ngủ, mất tập trung, hay ngủ gật trong giờ học. Kinh nghiệm được cô Thu chia sẻ là tạo sự thi đua giữa các tổ, nhóm. Sau đó các tổ, nhóm sẽ tổng kết thi đua, các tổ có kết quả cao sẽ được trao thưởng những món quà nho nhỏ hay các tổ thứ hạng chưa được cao sẽ biểu diễn văn nghệ hay diễn kịch vào các tiết hoạt động trải nghiệm. Từ các hoạt động đó cũng sẽ giúp học sinh gắn bó và đoàn kết với nhau hơn.
Ngoài ra, giúp học sinh ổn định nền nếp học sau nghỉ Tết, giáo viên cần trao đổi cụ thể tới phụ huynh về lịch học, chương trình học và chỉ đồng ý cho học sinh nghỉ khi có lý do chính đáng.
Trước khi nghỉ Tết, tôi đã phối hợp với nhà trường, Hội phụ huynh lớp để có những phần quà trao cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Trong dịp Tết, tôi thường xuyên giữ mối liên hệ và có lời chúc tết tới phụ huynh, học sinh.
Bố trí cùng với một số học sinh cốt cán trong lớp tổ chức đi chúc Tết, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có nguy cơ cao sẽ nghỉ học nhiều buổi sau dịp Tết để có thể thực hiện tốt nền nếp sau tết. Tôi cũng thông tin trực tiếp đến từng phụ huynh học sinh về lịch học trở lại và yêu cầu học sinh trở lại học tập theo lịch, nắm rõ thông tin, lý do nếu có học sinh nghỉ học.
Cô Lộc Thị Tuyệt.