Nhanh chóng bắt nhịp nền nếp học sau nghỉ Tết

GD&TĐ - Năm nay, học sinh nhiều địa phương nghỉ Tết ngắn, chỉ khoảng 1 tuần, nên việc ổn định nền nếp dạy học sau Tết không nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không áp lực buổi học đầu tiên

Ngày 27/1, học sinh Hưng Yên quay trở lại trường sau nghỉ Tết Nguyên đán. Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi) cho biết, tỷ lệ chuyên cần trong ngày đầu đi học trở lại cao (99,9%). Chỉ một vài trường hợp nghỉ ốm, sốt. Các trường hợp nghỉ đều được cha mẹ học sinh báo cáo giáo viên chủ nhiệm.

“Tiết học đầu tiên nhà trường tổ chức dạy học bình thường. Khoảng 15 phút trước khi vào lớp, học sinh được thầy cô chủ nhiệm đến lớp chúc mừng. Hiểu rõ tâm lý học sinh, đa số giáo viên đều tạo không khí vui tươi, lồng ghép vừa học vừa chơi, “mừng tuổi” học sinh bằng những điểm số trong tiết học đầu tiên.

Cách làm của tôi là lồng ghép trò chơi với kiến thức học để các em vừa tiếp thu được kiến thức, vừa vui chơi, vừa có điểm thầy “lì xì”. Với những kiến thức mới trong bài học, tôi yêu cầu học sinh đọc sách thật kỹ, trả lời câu hỏi hoặc lên bảng hoàn thiện đề cương với mức độ hiểu.

Có thể nói, buổi học đầu sau nghỉ Tết diễn ra trong không khí vui tươi, thoải mái. Cả thầy và trò đều tạo cho nhau những động lực tốt. Cảm giác tiết học trôi thật nhanh...”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Nhận định năm nay nghỉ Tết ngắn, việc ổn định nền nếp học tập không khó khăn nhiều. Tuy nhiên, cô Vũ Thị Anh cho rằng để tạo động lực và tiếp tục định hướng đúng mục tiêu trong năm học, thầy cô cần tiếp tục điều chỉnh, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, tăng tính tương tác; Cùng đó, tổ chức nhiều hoạt động mới giúp khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình

Để giúp học sinh nhanh chóng ổn định nền nếp học sau Tết, cô Đinh Thị Bích Liên, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình.

Trong kỳ nghỉ, với tâm lý được “xả hơi” nên học sinh dễ dẫn đến thói quen ngủ muộn, dậy muộn, không chuẩn bị bài vở chu đáo... Thói quen này ảnh hưởng đến việc học sau nghỉ Tết. Trong khi đó, chỉ khoảng 4 tuần sau Tết, học sinh bắt đầu bước vào kiểm tra giữa kỳ II.

Giải pháp được cô Đinh Thị Bích Liên đặt ra là tăng cường phối hợp 3 yếu tố: Nhà trường - gia đình - học sinh. Thời gian nghỉ Tết, học sinh hoàn toàn chịu sự quản lý của gia đình do đó bố mẹ nên chủ động trong việc đưa con vào nền nếp cùng sự giám sát gián tiếp của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Để làm được điều này, trước khi nghỉ Tết, giáo viên chủ nhiệm phải yêu cầu học sinh lập bảng kế hoạch cho những ngày nghỉ, cân đối thời gian làm bài tập về nhà, giúp đỡ gia đình, vui chơi.

Trong thời gian nghỉ Tết, học sinh thực hiện nhiệm vụ theo bảng kế hoạch đã đề ra. Cuối mỗi ngày, học sinh ghi chép lại (tại cột cuối cùng của bảng kế hoạch) những công việc đã /chưa hoàn thành. Cuối bảng, học sinh viết khoảng 3-5 câu cảm nhận chung về kì nghỉ.

Sau mỗi ngày, bố mẹ ký trực tiếp vào bảng kế hoạch của con những việc con đã làm được kể cả việc đi những đâu, làm gì, ăn gì... Đây cũng là phương pháp nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học sinh khi học theo Chương trình GDPT 2018.

Với chuyên môn một giáo viên dạy Tiếng Anh, cô Đinh Thị Bích Liên cho biết có giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết với số lượng phù hợp. Theo đó, có 4 bài tập quizizz, nội dung về Vocabulary và Grammar của Units 5, 6. Mỗi quizizz có 30 câu hỏi, bám sát chương trình, chuẩn kiến thức theo sách giáo khoa của những bài đã học trước Tết. Đây cũng chính là phần việc học sinh phải đưa vào kế hoạch để hoàn thành. Sau Tết, giáo viên thu lại và cho một học sinh bất kỳ lên thuyết trình ngắn gọn trên lớp...

“Nhìn chung, bố mẹ nên nhẹ nhàng mà cương quyết trong việc giúp con bắt nhịp với nền nếp học. Đồng thời cùng con xem lại sách vở, đồ dùng học tập, thời khóa biểu và chuẩn bị trước chu đáo mọi thứ cần thiết. Phụ huynh không nên để đến đúng ngày đi học mới phát hiện con chuẩn bị chưa đủ, quát mắng khiến không khí gia đình nặng nề...”, cô Đinh Thị Bích Liên, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ