Tạo đột phá phát triển giáo dục đại học

GD&TĐ - Tự chủ là điểm đột phá, động lực cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế...

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Dẫu vậy, đào tạo sau đại học, nhất là khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ… cần tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt.

Tháo gỡ vướng mắc

Qua kinh nghiệm từ ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa và các đại học hàng đầu Trung Quốc, GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhận thấy, cơ sở giáo dục đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy, cô giáo, nhà khoa học đông đảo và có khối tài sản công lớn, nhưng còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn. Do đó, pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Viện dẫn số liệu của Bộ GD&ĐT, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) cho hay, nghiên cứu sinh và học viên cao học năm học 2023 - 2024 của cả nước đạt 47,16% và xấp xỉ 57% so với chỉ tiêu được duyệt.

“Số liệu này cho thấy, sự kém hấp dẫn của đào tạo sau đại học”, đại biểu Vương Quốc Thắng nhìn nhận đồng thời lấy ví dụ, các đại học ở Trung Quốc đã có chuyển biến mạnh trong cơ cấu đào tạo. Từ chỗ tỷ lệ đào tạo đại học chiếm đa số, nay nhiều đại học như: Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang, Phúc Đán đào tạo sau đại học chiếm trên 50% tổng tuyển sinh hằng năm nhờ có sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Đến tháng 7/2024, cả nước có 67 cơ sở giáo dục đại học công bố trên các ấn phẩm Scopus, chiếm tới xấp xỉ 84,5% tổng số bài báo của cả nước. Khối giáo dục đại học chiếm khoảng 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (3/4 trong số này có trình độ tiến sĩ).

Tuy nhiên, theo đại biểu Vương Quốc Thắng kinh phí nghiên cứu phát triển chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí nghiên cứu phát triển quốc gia. Số liệu này cho thấy, ngân sách Nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối đại học chưa tương xứng với quy mô, năng lực và tiềm năng của đội ngũ này.

Theo đại biểu đoàn Quảng Nam, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

tao-dot-pha-cho-giao-duc-dai-hoc-1.jpg
Cần có cơ chế chính sách ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao mũi nhọn. Ảnh: INT

Giải pháp về cơ chế

Đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị, trước mắt cần đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách Nhà nước, ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, nơi sản sinh ra đội ngũ tri thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước.

Việc này cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm con người và sản phẩm sáng tạo. Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo, được phân luồng từ đào tạo bậc đại học và có cơ chế hỗ trợ, chăm sóc từ nguồn ngân sách. Qua đó, nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống.

Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nguồn tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ tại các doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ rất lớn, nhưng cần sớm được tháo gỡ cơ chế giải ngân phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp thông qua hợp tác trực tiếp với các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu.

Chính phủ cần sớm nghiên cứu cơ chế giao tài sản cho cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ theo mức 1, kèm theo đó là quy trình giám sát chặt chẽ làm cơ sở cho việc hạch toán tài chính đầy đủ. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng trường, tăng tính chủ động và bền vững về tài chính trong chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

“Cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí”, đại biểu Vương Quốc Thắng trao đổi, đồng thời đề xuất, thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư, hiến tặng. Qua đó, nhằm khơi thông nguồn lực trong đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo và phát triển đại học.

Cùng đó, xây dựng cơ chế gây quỹ có đối ứng của Nhà nước hoặc nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học, thúc đẩy nhanh các cơ chế đặt hàng theo tiêu chí sản phẩm đầu ra.

Mặt khác, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài là các tiến sĩ và nhà khoa học được đào tạo từ các đại học danh tiếng trên thế giới thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển tham gia giảng dạy và nghiên cứu sâu tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng cơ chế thúc đẩy thực chất hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học với đại học hàng đầu khu vực và thế giới.

GS.TS Lê Quân kiến nghị, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng giúp đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học.

Theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của đại học. Vì vậy, nếu phát triển được nguồn lực này, sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách.

Ở góc nhìn khác, GS.TSKH Dương Quý Sỹ - Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực cho rằng, cần có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ cao.

Theo đó, khuyến khích các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho lĩnh vực này. Muốn vậy, cần xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu công nghệ cao. Đầu tư trọng điểm vào cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho các ngành trọng điểm quốc gia, ưu tiên đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và giảm thiểu tác động môi trường.

GS.TSKH Dương Quý Sỹ nhấn mạnh, đào tạo nhân lực công nghệ và nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo đột phá trong thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục… Đây là nhiệm vụ then chốt, động lực cho đổi mới trong giáo dục và đào tạo, tiền đề cho đột phá của các cơ sở đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.

Theo GS.TSKH Dương Quý Sỹ, cần có cơ chế chính sách ưu tiên, chiến lược quốc gia đặc thù phát triển các ngành công nghệ cao mũi nhọn làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - y tế, an ninh - quốc phòng và an sinh xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ