Bên cạnh yêu cầu trên, Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc giúp học sinh sớm có ý thức và định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân trong tương lai, có bước chuyển tiếp tự tin, năng động từ ghế nhà trường ra môi trường xã hội.
Việc thực hiện sẽ thông qua lồng ghép nội dung khởi nghiệp trong các hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa cho học sinh từ cấp THCS và tăng dần thời lượng, nội dung chuyên sâu đến cấp THPT.
Tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm với các doanh nhân, các chuyên gia, những học sinh cũ của trường đã thành đạt nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp cho học sinh.
Khuyến khích các đơn vị thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, hội trại nhằm hình thành ý thức khởi nghiệp trong học sinh ở các trung tâm, trường nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kết nối học sinh với nhau cũng như với các nhà bảo trợ, các doanh nhân, các chuyên gia.
Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo trung tâm, trường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xã hội kết nối các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh.
Khuyến khích học sinh, nhóm học sinh trong trung tâm, trường THCS và THPT mạnh dạn trình bày, giới thiệu các dự án khởi nghiệp, từ đó kêu gọi sự hỗ trợ, giúp sức của các doanh nghiệp, các chuyên gia, các tổ chức xã hội khác.
Sở GD&ĐT cho biết sẽ có kế hoạch tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh trung học trên địa bàn tỉnh hàng năm.