Tạo động lực để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ GD&ĐT xây dựng triển khai Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Để chương trình triển khai có hiệu quả, đáp ứng việc dạy học theo hướng tích cực, thì đội ngũ giáo viên cần phải có đủ năng lực. Song song với đó, sự động viên khích lệ sẽ giúp các nhà giáo gắn bó hơn với nghề.

Tạo động lực để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đào tạo để đáp ứng yêu cầu giảng dạy

Sắp tới chúng ta sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới cho các cấp học. Vì vậy, vai trò của các trường sư phạm là rất quan trọng trong đào tạo đội ngũ các nhà giáo. Để đáp ứng yêu cầu yêu cầu giảng dạy, các trường sư phạm phải căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên các cấp đã ban hành để điều chỉnh chương trình.

Từ đó đổi mới phương pháp và hình thức đào tạo để có thể đào tạo ra lớp giáo viên mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy giáo dục phổ thông sắp tới. Một thực trạng hiện nay đó là một bộ phận giáo viên đã đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của cấp học nhưng chưa đạt chuẩn về năng lực tác nghiệp, thiếu kỹ năng sư phạm.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: Để khắc phục tình trạng này thì tăng cường việc rèn nghiệp vụ sư phạm trong nhà trường, nâng cao chất lượng của hoạt động kiến tập, thực tập.

Các trường phổ thông phải đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng tại nơi làm việc, trong công việc để tăng cường kỹ năng đào tạo giáo viên; Tạo cơ hội cho giáo viên phát triển chuyên môn trong và ngoài nhà trường. Các cơ sở GD&ĐT cần phối hợp với nhau tạo ra môi trường phát triển chuyên môn theo vùng.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: Những kiến thức và kỹ năng của giáo viên có liên quan chặt chẽ đến nội dung, vấn đề của môn học mà họ được trang bị. Tập trung vào nội dung còn có nghĩa là coi trọng những kiến thức, kinh nghiệm đã có của học sinh liên quan đến bài học và sử dụng các chiến lược đa dạng nhằm thu hút học sinh tích cực tham gia tìm hiểu và phát hiện những kiến thức mới.

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cũng đưa ra vấn đề, các cơ sở đào tạo cần không ngừng mở rộng vốn kinh nghiệm phát triển chuyên môn của giáo viên. Thay vì tổ chức một vài buổi thảo luận, phải khuyến khích giáo viên trao đổi bất cứ khi nào gặp vấn đề, thắc mắc trong công việc. Việc học tập của giáo viên đạt hiệu quả cao nhất khi họ cộng tác với các đồng nghiệp của mình cả trong và ngoài nhà trường, hoặc khi họ học hỏi kinh nghiệm từ các nhà nghiên cứu và chuyên gia bên ngoài.

Tạo điều kiện và khích lệ các nhà giáo

Bên cạnh vấn đề tạo điều kiện phát huy năng lực giảng dạy của giáo viên Nhà nước cần có chính sách để khích lệ tạo động lực lao động cho đội ngũ các nhà giáo. Trong GD-ĐT, để có được động lực cho cán bộ, giáo viên làm việc, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục là rất lớn. Đó là họ phải tìm cách tạo ra được động lực đó. Động lực lao động được hiểu là những nhân tố bên trong, kích thích con người tích cực làm việc trong điều kiện cho phép để tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Vì vậy, mục tiêu của các nhà quản lý là phải làm sao tạo ra được động lực để người lao động có thể làm việc đạt hiệu quả cao nhất trong công việc của mình.

PGS.TS Lê Phước Minh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, nhấn mạnh: Để phát huy sức mạnh tập thể và tinh thần làm việc của đội ngũ nhà giáo, các cán bộ quản lý phải chú trọng xây dựng mục tiêu và nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đó là: Thắt chặt nền nếp, kỷ cương trong công tác dạy học; nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình trong đánh giá người học. Xác định mục tiêu cụ thể và các định mức, tiêu chuẩn thực hiện công việc cho người lao động. Cán bộ giáo viên phải được giao quyền và được có trách nhiệm. Vậy nên, cần có những đánh giá thường xuyên và công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người lao động.

Để các nhà giáo có thêm động lực cống hiến, Nhà nước cần có những đãi ngộ lao động thông qua tiền thưởng. Đây chính là công cụ đãi ngộ quan trọng trong việc tạo động lực để họ làm việc và cống hiến. PGS.TS Lê Phước Minh cũng cho rằng: Khi các giáo viên đạt được thành tích, các nhà quản lý giáo dục cần biết cách khen thưởng kịp thời.

Việc quan trọng này phải được làm thường xuyên chứ không phải đợi đến cuối năm như hiện nay. Chẳng hạn việc bầu chọn cán bộ GV xuất sắc, các cán bộ GV có nhiều sáng kiến, GV dạy giỏi nhất có thể tiến hành hàng tháng hay hàng quý. Nhà quản lý cũng cần phải chú ý, công nhận và khen thưởng những cán bộ GV không nằm trong danh sách những cán bộ GV xuất sắc nhưng luôn cố gắng làm tốt công việc, những người đã vượt khó và vượt lên trên chính bản thân họ.

“Tạo động lực lao động giúp cho người cán bộ, giáo viên có thể tự hoàn thiện mình. Khi có động lực trong lao động, người cán bộ giáo viên sẽ nỗ lực hơn để lao động học hỏi, đúc kết được những kinh nghiệm trong công việc, nâng cao kiến thức, trình độ để tự hoàn thiện mình. Khi kích thích bất cứ hoạt động nào của người giáo viên, các cán bộ quản lý phải chú ý tới các yêu tố tâm lý như mục đích công việc, nhu cầu hứng thú, động cơ làm việc của mỗi cá nhân. Việc tạo động lực kích thích lao động làm việc có tác dụng gắn kết giữa các cán bộ giáo viên với cơ quan, trường học để giữ được cán bộ giáo viên giỏi. Điều này giúp tăng mức độ hài lòng, niềm tin, sự gắn bó và tận tâm của các cán bộ giáo viên trong cơ quan trường học; Giảm thời gian chi phí tuyển và đào tạo các bộ giáo viên mới. Đó là nền tảng để tăng quy mô đào tạo nâng cao chất lượng và cải thiện đời sống người cán bộ, giáo viên”. PGS.TS Lê Phước Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.