Tăng cường giáo dục kĩ năng sống
Thầy Mạnh tâm sự: “Trước khi là cán bộ quản lý, tôi là một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, thường xuyên tham dự các cuộc thi, đạt được nhiều huy chương, phần thưởng. Có thể nói tôi là tín đồ của giáo dục truyền thụ kiến thức.
Nhưng cùng với sự chuyển mình thay đổi của giáo dục, tôi nghĩ giáo viên cần thay đổi, thậm chí là thay đổi trước. Tôi đã trăn trở tìm ra một lối đi riêng cho ngôi trường của mình. Tôi nói với các thầy cô trong trường rằng, nếu không có sự khác biệt chắc chắn chúng ta không thể có học sinh vì bây giờ phụ huynh rất thông thái. Họ sẽ chọn lựa những ngôi trường tốt, có những điểm mới có những giá trị mới để cho con theo học”.
Song song với việc duy trì những điểm mạnh như phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về các mặt, trên tinh thần linh hoạt, tự nguyện của phụ huynh, nhà trường tăng cường các sân chơi, các hoạt động ngoại khóa như thể thao, văn nghệ, các hoạt động ngoại ngữ như thành lập các khu vực nói tiếng Anh. Tất cả học sinh đều có cơ hội tham gia các sân chơi của mang tính đại chúng.
Ngoài việc dạy học trên lớp, các thầy cô trao cơ hội khám phá, tổ chức cho học sinh, hạn chế giảng giải, thuyết trình. Ngoài những tiêu chí về chuẩn kiến thức kỹ năng, tiêu chí về phẩm chất năng lực cũng dần được đưa vào các buổi sinh hoạt chuyên môn với một vai trò tăng dần như học sinh làm việc cá nhân trước khi tham gia hoạt động nhóm, khả năng tự tin, trình bày phản biện.
Các câu lạc bộ của nhà trường cũng được thay đổi với mục tiêu hướng tới học sinh. Giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, gợi ý. Nhà trường thuyết phục để các thầy cô hiểu và đổi mới việc giao bài tập về nhà, triển khai không đem cặp sách về nhà trên tinh thần tự nguyện. Đã có rất nhiều sáng kiến của các thầy cô từ đó.
Đó là những việc làm nhỏ để tiến tới việc xây dựng trường học hạnh phúc. Bởi lẽ, học sinh cần thiết phải học những kĩ năng đơn giản mà gần gũi với cuộc sống, cần khả năng tự lập, sự tự tin, tính sáng tạo, làm việc nhóm, văn hóa xếp hàng, tính khiêm nhường, năng lực tự học.
Công thức “ba làm” để tạo nên năng suất giáo dục
Thầy Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh |
Tự nhận mình khá tò mò và bị lôi cuốn bởi sức hút của trường học hạnh phúc, thầy Mạnh cho rằng, việc gì tốt cho học sinh, giáo viên thì làm để giải tỏa bớt áp lực chứ không nghĩ xây dựng một mô hình để đạt thành tích.
Tham gia Hội nghị Tổng kết các phương pháp đổi mới dạy học đối với cấp tiểu học toàn quốc, được nghe chia sẻ của nhiều thầy cô, thầy Mạnh biết đến công thức “Ba làm”. Theo thầy giải thích, năng suất trong giáo dục là tích của ba thừa số: Biết làm; Có điều kiện để làm và Có động lực để làm. Nếu một trong 3 thừa số bằng 0 (không) thì tích bằng 0. Là hiệu trưởng, chỉ cố gắng không để số nào bằng 0 là thành công rồi.
Việc đầu tiên là hiệu trưởng cần thuyết phục giáo viên hiểu; hướng dẫn giáo viên làm; tạo điều kiện cho người ta làm và cái khó nhất là tạo động lực cho giáo viên làm. Thay vì săm soi tìm lỗi giáo viên thì lắng nghe họ chia sẻ, cùng trao đổi để tìm ra cách làm phù hợp; thay vì những chì chiết trong những cuộc họp muộn thì giảm những thủ tục rờm rà cho họ.
Thầy Mạnh nhận định: Hạnh phúc là làm điều mình thích và thích điều mình làm được. Nếu hiệu trưởng có khát khao, vì sự tiến bộ của nhà trường, vì giá trị đem lại cho học sinh và chủ động thực hiện trước, trường học sẽ có được hạnh phúc, bởi hiệu trưởng không làm trước, giáo viên sẽ không dám làm.