Tạo đà, tạo sức bật để giáo dục đại học bứt phá

GD&TĐ - Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng - là năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 5 năm 2020-2025.

GS.TS Nguyễn Đình Đức: giáo dục đại học phải luôn lấy chất lượng làm yếu tố then chốt nhất.
GS.TS Nguyễn Đình Đức: giáo dục đại học phải luôn lấy chất lượng làm yếu tố then chốt nhất.

Việt Nam đang chuyển mình và đổi mới mạnh mẽ với thế và lực ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế, trong đó có giáo dục đại học. Báo GD&TĐ phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội về những nỗ lực của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam vươn ra biển lớn.

Bước tạo đà

Giáo dục đại học có vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho đất nước. Xin giáo sư cho biết vấn đề đặt ra đối với GDĐH Việt Nam?

Trước hết là vấn đề chất lượng: Giáo dục, trong đó có giáo dục đại học phải luôn lấy chất lượng làm yếu tố then chốt nhất. Mà trong yếu tố chất lượng thì chất lượng đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất. Do đó vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trước hết phải đặc biệt quan tâm và chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ và phát triển tiềm lực KHCN.

Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn nữa tiến độ kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, đẩy nhanh quá trình hội nhập với các chuẩn mực và trình độ quốc tế. Để có nguồn lực cho sự phát triển, năm 2023, các cơ sở GDĐH cần hoàn thành sớm việc xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho tất cả các chương trình đào tạo, đồng thời đẩy nhanh tự chủ đại học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng GDĐH.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng GDĐH.

Bên cạnh đó, như các bạn đã biết, Luật GDĐH ban hành từ 2012, sửa đổi cuối năm 2018 đã có rất nhiều điểm tích cực và đột phá, tuy nhiên trong quá trình triển khai trên thực tế đã bộc lộ còn có những điểm chưa thật sự phù hợp (như mô hình và vai trò Hội đồng trường trong các trường đại học công lập).

Chúng ta cũng cần phải thấy rằng tư duy và triết lý về đại học – trường đại học. Trong đó vai trò dẫn dắt của 2 đại học quốc gia và các đại học nghiên cứu là ý nghĩa. Hoặc hiện nay, chứng nhận kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo được xem như căn cứ duy nhất để xác định mức thu học phí,…) và vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi trong thời gian tới.

Vậy theo giáo sư, mô hình và xu thế phát triển của các trường đại học trong tương lai nên thế nào?

Song hành với hoạt động đào tạo, mô hình và xu thế phát triển của một trường đại học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có 3 trụ cột chính quan trọng nhất là: Nghiên cứu (để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và tri thức) - Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.

Đây là những định hướng quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học bám sát xây dựng định hướng cho chiến lược phát triển của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Bứt phá

Từ thực tế GDĐH Việt Nam năm vừa qua, GS có tin rằng các trường đại học sẽ phát huy thế mạnh và mang lại những luồng gió mới, nguồn lực mới, điểm đến cho những nhà khoa học nhiều hoài bão và tài năng như mong muốn?

Tự chủ đại học và những chính sách cởi mở và đổi mới của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây, cũng như sự hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực và trình độ quốc tế chính trong giáo dục đại học là những luồng gió mới, là cơ sở để đem lại những nguồn lực mới cho sự phát triển.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cùng các sinh viên ĐHQG Hà Nội.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cùng các sinh viên ĐHQG Hà Nội.

Thực tế cho thấy kể từ khi thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học đã nhanh chóng thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước hơn cho sự phát triển. Trường nào tự chủ càng nhanh thì càng có điều kiện để thu hút được nhiều nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước đến làm việc. Và từ đó nhà trường mạnh hơn, đóng góp ngày càng nhanh và nhiều hơn, tốt hơn cho tiềm lực KHCN của nước nhà.

Với chế độ đãi ngộ khá tốt, môi trường làm việc thuận lợi trong các nhóm nghiên cứu mạnh, hiện nay, một số trường đại học lớn, có uy tín của Việt Nam như 2 ĐHQG, ĐH Bách Khoa Hà Nội và một số trường đại học khác của Việt Nam thực sự đã là địa chỉ tin cậy thu hút ngày càng nhiều nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước đến làm việc.

Vậy năm 2023 này, GS có kỳ vọng giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá và ngoạn mục về chất lượng theo yêu cầu đổi mới đặt ra?

Giáo dục đại học Việt Nam trong những năm gần đây luôn có những bước phát triển nhanh và mạnh theo từng năm trên nhiều lĩnh vực.

Một ví dụ, theo công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố năm 2022, có 34 nhà khoa học cơ hữu trong nước lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới. Đối chiếu lại các số liệu từng năm, chúng ta thấy năm 2022 tăng thêm 6 người so với năm 2021, và năm 2021 lại tăng hơn 6 người so với năm 2020.

Giảng đường ĐHQG Hà Nội, nơi ươm mầm những nhà khoa học trẻ.

Giảng đường ĐHQG Hà Nội, nơi ươm mầm những nhà khoa học trẻ.

Với các lĩnh vực của ĐHQGHN, nếu như năm 2021 chỉ có 5 lĩnh vực trong top 500 trong bảng xếp hạng QS thế giới, thì năm 2022, đã có 6 lĩnh vực lọt top xếp hạng 500. Toán học và Vật lý từ 500 tăng hạng lên 400 trong năm 2022. Và lần đầu tiên, trong năm 2022, lĩnh vực Engineering đã xếp hạng 386 thế giới.

Với đà như vậy, tôi kỳ vọng, và rất tin tưởng giáo dục đại học Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tới.

Để GDĐH đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời hội nhập ngày càng nhanh và mạnh mẽ với các chuẩn mực và trình độ quốc tế, theo ông các cấp quản lý cần có sự điểu chỉnh thế nào?

Giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ cử nhân đến tiến sỹ, và cả bậc sau tiến sỹ. Các trường đại học chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tinh hoa nhất cho đất nước.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số bài báo quốc tế ISI/Scopus của Việt nam trong năm 2022 là 17625 bài, trong số đó các công bố của các trường đại học đã chiếm đến 90%.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy: giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và tiềm lực KHCN chính là chìa khóa, là chiếc đũa thần để đưa dân tộc ta nắm bắt những vận hội và bứt phá vươn lên, sánh vai với các nước năm châu.

Các trường đại học chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tinh hoa nhất cho đất nước.

Các trường đại học chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tinh hoa nhất cho đất nước.

Để GDĐH tiếp tục phát triển mạnh mẽ xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh CMCN 4.0 (trên thế giới, Nhật Bản còn đề ra mục tiêu và đang triển khai xây dựng Xã hội 5.0), theo tôi, có một số điểm các cấp quản lý cần đặc biệt chú trọng quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, các cấp quản lý cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình và hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, đi đôi với rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo trong các trường. Không thực hiện tốt tự chủ đại học, không có động lực và nguồn lực cho sự phát triển các trường đại học.

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo khung tham chiếu năng lực khu vực và quốc tế.

Từng cơ sở giáo dục đại học cần chủ động rà soát hoạt động quản trị đại học, đẩy mạnh chuyển đổi số và tin học hóa quy trình quản lý trong các trường đại học cũng như áp dụng các công nghệ giảng dạy mới, tiên tiến trong tổ chức đào tạo.

Và cuối cùng, như tôi đã phân tích ở trên, vẫn phải nghiên cứu và tiếp tục sửa đổi Luật GDĐH. Với những giải pháp then chốt chủ yếu như vậy, nếu thực hiện tốt, tôi tin là trong thời gian tới sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Các bộ ngành cũng như các trường đại học cần nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị định 109/NĐ-CP của Chính Phủ mới ban hành ngày 30/12/2022 về Hoạt động KHCN trong các trường đại học, trong đó chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động KHCN và các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc gia, quốc tế đi đôi với tăng đầu tư trực tiếp cho con người, thu hút nhân tài để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo ra những đột phá trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong quá trình vươn ra biển lớn. - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Xin cám ơn Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.